Văn hóa trà Viêt Nam được nhiều người yêu trà trên thế giới biết đến, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đó của người dân Việt Nam, nó thể hiện rất rõ đời sống sinh hoạt mộc mạc của con người. Văn hóa trà Việt Nam đã được hình thành rất lâu đời và trải qua nhiều thăng trầm lịch sử cũng như biến động về văn hóa, chính trị. Nhưng văn hóa trà Việt Nam vẫn tồn tại, phát triển mạnh mẽ và mang một vẻ đẹp rất riêng biệt của người Việt. Chính những nét đẹp này đã tô vẽ như bức tranh sống động về nét văn hoá trà của người Việt. Trong bài viết hôm nay, tác giả muốn gửi đến bạn đọc về văn hoá, nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt xưa và nay để bạn có thể cảm nhận được sức sống mãnh liệt của văn hóa trà Việt Nam trong ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 đặc biệt này.
Văn hóa trà Việt Nam đã có hơn 4000 năm lịch sử, nó gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tôc. Qua đó, nó được ví như một nhân chứng sống để chứng minh sự anh hùng của ông cha ta qua các thời kỳ lịch sử.
Đã có những gia đoạn trong lịch sử, trà được xem là thức uống cao cấp chỉ được thưởng thức bởi vua chúa hoặc dùng cho các tầng lớp danh gia vọng tộc, có gia thế cao sang quyền quý. Và theo đó những nghi lễ về cách pha trà, thưởng trà cũng khá cầu kì, tỷ mỉ như yêu cầu người mời trà phải có tác phong thể hiện sự cung kính đối với các bậc tiền bối, cung kính với bề trên và bày tỏ sự tôn trọng dành cho họ.
Tuy nhiên, về sau này văn hoá uống trà của người Việt xuất hiện ở mọi nơi, không phân biệt sang - giàu, nghèo - hèn. Dù gia đình quý tộc hay thường dân, dù hàng quán ở chợ hay nhà hàng cao cấp, …đều có thể hiện sự phát triển của văn hóa Trà Việt qua các thế hệ.
Đặc biệt, văn hóa trà đã xuất hiện lâu đời trong lịch sử Việt Nam từ hình ảnh quán nước cây đa đầu làng với ấm trà xanh, phong kẹo lạc, điếu thuốc lào cho đến chén trà mời khách trong mỗi gia đình Việt. Nơi cung đình quyền quý, các bậc vua, chúa lại thưởng trà theo những cách cầu kỳ, hoa lệ. Trà cung đình được ướp hương, nước pha phải là nước sương sớm hay nước đầu nguồn. Còn ở chốn thiền môn, người ta uống trà để tĩnh tâm.
Cùng với đó, văn hóa thưởng trà đầy tinh tế, ý nhị không giống như “trà kinh” của Trung Quốc hay “trà đạo” của Nhật Bản, cách thưởng trà của người Việt cũng mang nét văn hóa riêng: trước khi uống thường đưa chén trà qua mũi để thẩm hương của trà, rồi nhấp ngụm nhỏ cảm nhận vị chát đắng của trà, sau đó chuyển sang vị ngọt dịu.
Người Việt xưa có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Thứ nhất là nước dùng để pha trà, là thứ nước trong sạch tinh khiết. Thứ hai là trà ngon phụ thuộc vào loại trà, cách chọn trà và cách chế biến. Thứ ba, pha trà là cả một nghệ thuật. Thứ tư, bộ trà cụ dùng để pha trà ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng trà, bao gồm bộ ấm pha trà và 4 chén quân và 1 chén tống để chuyên trà. Cuối cùng là bạn trà, là tri âm, tri kỷ, cùng thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm hay hàn huyên câu chuyện nhân tình thế thái.
Văn hóa trà Việt trong văn học nghệ thuật. Trà không chỉ gắn liền với cuộc sống thường ngày mà còn ngấm vào ca dao tục ngữ, thơ ca, những điệu hò dân gian trữ tình và những áng thi văn của người Việt như: Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều (Ca dao); “Bán dạ tam bôi tửu/Bình minh sổ trản trà/Nhất nhật cứ như thử/Lương y bất đáo gia.” (Nguyễn Tuân); Thèm bấy lâu nay một ngụm trà/Ngóng người tri kỷ tận nơi xa/Hương trà xứ ấy lòng còn lắng/Dẫu có bao xuân vị chẳng nhoà (Đăng Học)...
Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, cây trà vẫn gắn bó với con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thời đại, tục uống trà của người Việt đã tạo nên một bản sắc mà người ta gọi là “hồn trà Việt”. Trong sự giao tiếp ứng xử xã hội của người Việt ngày nay vẫn dùng trà để chào mời khách đến thăm hỏi. Hay khi có dịp mọi người trong gia đình hay bạn bè thường ngồi lại với nhau quanh ấm trà nóng để cùng thưởng thức ấm trà, cùng nói, cùng cười. Ở Việt Nam, không chỉ người lớn tuổi uống trà mà giới trẻ cũng thưởng thức trà theo những cách riêng. Không khó để tìm một quán trà trên các con phố Việt Nam.
Cách người Việt uống trà rất bình dị, những câu chuyện quanh chén trà thường cũng là những câu chuyện hết sức bình dị trong cuộc sống mỗi con người. Nhưng chính sự bình dị đó đã làm nên một nét văn hóa vô cùng độc đáo. Người Việt thưởng trà, dâng trà, tặng trà; người Việt mang trà ra thế giới. Trà của người Việt có nét đặc trưng rất riêng, khó có thể lẫn với bất cứ trà một quốc gia nào trên thế giới. Ngay từ cách pha trà của người Việt cũng khác lạ: thoải mái, cởi mở, không cầu kỳ nhưng vẫn vô cùng tinh tế.
Trong buổi sáng mùa thu tiết trời se lạnh ngồi bên bàn trà nhấp môi chén trà nóng, tỏa hương thơm ngát, màu trà xanh sóng sánh trong một ngày Đặc biệt của lịch sử như hôm nay thì cảm xúc thật sự rất khó diễn tả, mà trong mỗi trái tim của người dân Việt Nam đều có những xúc cảm riêng.
Trà có thể được uống một mình, được gọi là độc ẩm, chính là lúc người ta nhâm nhi chiêm nghiệm, hoặc ngâm thơ sáng tác, Trà được uống cùng lúc với hai người thì được gọi là song ẩm hoặc có thể nhiều hơn nữa những người bạn tâm giao, tri kỉ của nhau. Trà được coi như là người bạn tâm giao của con người khi có tâm sự dù là vui hay buồn, nó làm con người ta hứng khởi một cách thần kì.Với ngày đặc biệt như ngày 2/9 hôm nay, ngồi thưởng trà tâm ta nghĩ về những năm tháng hào hùng của dân tộc, biết ơn những công lao to lớn mà thế hệ đi trước trong công cuộc giành độc lập dân tôc, bát nước trà xanh, màu xanh tượng trưng cho hy vọng, sự tươi mới, thịnh vượng như ý của cả dân tộtc về Việt Nam tươi sáng, hùng cường.
Ngày Quốc khánh 2/9 mang sự đặc biệt đối với thế hệ trẻ, là một nguồn cảm hứng và sự khích lệ để mỗi người trưởng thành, rèn luyện tinh thần và hướng tới mục tiêu lớn hơn. Sự kiện Tết Độc lập hàng năm là một cơ hội để người trẻ nhớ về công lao, sự hy sinh của những người tiền bối trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Không những vậy, ngày lễ này còn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn giá trị của độc lập và tự do, khát vọng sống trong một xã hội công bằng và văn minh. Mỗi người phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của những thế hệ trước bằng việc cống hiến, phấn đấu và đem lại sự phát triển bền vững cho đất nước. Đó là tất cả trách nhiệm của thế hệ trẻ để đưa Việt Nam tiến bước hướng tới vị thế của một quốc gia phồn vinh trong cộng đồng quốc tế.
HOÀNG TUẤN - PHI LONG