Vang mãi tên tuổi của những nữ anh hùng Ngã ba Đồng Lộc

Giữa vùng đất Hà Tĩnh đầy nắng gió, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam,nơi ghi dấu tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của hàng vạn thanh niên xung phong. Đặc biệt, tên tuổi và sự hy sinh anh dũng của 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, Ngã ba Đồng Lộc là “yết hầu” giao thông huyết mạch nối liền tiền tuyến lớn miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc. Không chịu khuất phục trước bom đạn kẻ thù, trên cung đường ấy, những cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã tình nguyện xông pha, bám đường, san lấp hố bom, đảm bảo thông tuyến, bất chấp hiểm nguy.

cổng vào Khu di tích ngã ba Đồng Lộc được bố trí trên 3 tuyến đường hướng về khu vực di tích, bố cục theo kiến trúc truyền thống tam quan
Cổng vào Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được thiết kế trang nghiêm theo lối kiến trúc truyền thống tam quan, mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh Việt Nam. Cổng được bố trí hài hòa trên ba tuyến đường chính dẫn vào khu vực di tích, tạo nên thế kết nối mở – vừa thuận tiện cho việc di chuyển, vừa mang ý nghĩa hướng về trung tâm tưởng niệm một cách tôn nghiêm.

Ngày 24/7/1968, trong một trận oanh tạc dữ dội của không quân Mỹ, 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Họ ra đi, để lại bao đau thương xé lòng cho đồng đội, đồng bào nhưng cũng để lại một khúc tráng ca bất tử về lòng dũng cảm, tình yêu nước nồng nàn và đức hy sinh cao cả.

Tên của họ đã trở thành những đóa hoa bất tử:

  • Võ Thị Tần: (24 tuổi), quê ở Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
  • Hồ Thị Cúc: (24 tuổi), quê ở Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
  • Nguyễn Thị Nhỏ: (24 tuổi), quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh.
  • Dương Thị Xuân: (21 tuổi), quê ở Đức Tân, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
  • Võ Thị Hợi: (20 tuổi), quê ở Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
  • Nguyễn Thị Xuân: (20 tuổi), quê ở Vĩnh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
  • Hà Thị Xanh: (20 tuổi), quê ở Đức Hoà, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
  • Trần Thị Hường: (19 tuổi), quê ở thị xã Hà Tĩnh.
  • Trần Thị Rạng: (18 tuổi), quê ở Thọ Thủy, Đức Vinh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
  • Võ Thị Hà: (17 tuổi), quê ở thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Hố bom – Chứng tích sống động của chiến tranh tại Ngã ba Đồng Lộc
Hố bom – Chứng tích sống động của chiến tranh tại Ngã ba Đồng Lộc

Họ là những cô gái trẻ, chưa kịp một lần khoác áo cô dâu, chưa kịp hưởng trọn tuổi xuân nhưng đã viết nên những trang sử chói lọi của dân tộc. Đã 57 năm trôi qua kể từ ngày các chị nằm lại, hàng triệu lượt người từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn không ngừng về dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Những giọt nước mắt lặng rơi trước những tấm bia khắc tên các chị, những vòng hoa tươi thắm, những nén nhang thơm ngát… là lời cảm ơn sâu nặng của các thế hệ hôm nay với những người đã hiến dâng tuổi trẻ, máu xương cho nền độc lập.

Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong – Trái tim của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong – Trái tim của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Hàng năm, vào dịp 24/7, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và đông đảo nhân dân, đoàn viên thanh niên cả nước. Ông Đào Anh Tuân, người đã hơn 20 năm công tác, gắn bó với Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết, những năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã rất quan tâm đầu tư, tôn tạo, mở rộng khu di tích, xây dựng nhà bia tưởng niệm, nhà trưng bày, đài tưởng niệm… nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Lượng khách tăng đều qua các năm: từ 120.000 – 200.000 lượt/năm, đặc biệt trong các sự kiện kỷ niệm lớn.

Ông Đào Anh Tuân – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc: Vừa quản lý, vừa là người “kể chuyện lịch sử” đầy tâm huyết
Ông Đào Anh Tuân – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc: Vừa quản lý, vừa là người “kể chuyện lịch sử” đầy tâm huyết

Trong sáu tháng đầu 2017 Khu di tích đón: 134.306 lượt khách (4.018 đoàn); Q1/2024: 120.000 lượt khách, 7.745 đoàn; tháng 4–7/2025: gần 85.000 lượt, nhiều ngày cao điểm hơn 5.000 lượt/ngày; dịp 30/4–1/5/2025: khoảng 15.000 lượt trong 2 ngày đầu; dịp 8/3/2024: gần 20.000 du khách... Các hoạt động tri ân được tổ chức chu đáo, bao gồm lễ thắp nến, triển lãm tư liệu, giáo dục truyền thống và tín ngưỡng dân gian thể hiện trang nghiêm, sâu sắc.

Không chỉ dừng lại ở những nghi thức tưởng niệm, các cấp chính quyền và nhân dân còn triển khai nhiều phong trào thiết thực: chăm lo đời sống gia đình liệt sĩ, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn… Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành nét đẹp văn hóa, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Mỗi việc làm ấy như một nén hương lòng gửi tới 10 nữ liệt sĩ và hàng vạn đồng đội đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Vang mãi tên tuổi của những nữ anh hùng Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh 1
Ngã ba Đồng Lộc – Di tích lịch sử ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong
Ngã ba Đồng Lộc – Di tích lịch sử ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, Ngã ba Đồng Lộc giờ đây khoác lên mình màu xanh yên bình của cây lá, nhưng lịch sử oai hùng nơi đây và tên tuổi 10 cô gái vẫn sống mãi. Trong tim mỗi người dân đất Việt, họ luôn là biểu tượng bất khuất, nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mỗi mùa tri ân lại về, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ,mỗi lần nghiêng mình cúi đầu là thêm một lần đời sau nhắc nhở mình phải sống xứng đáng với những người đã nằm xuống.

Vũ Phong – Thanh Phong – Lê Hải