Cụ thể, VCB sẽ chi cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27.6% (cổ đông sở hữu 1,000 cp sẽ được nhận 276 cp mới). Theo đó, VCB dự kiến phát hành 1.02 tỷ cp để chia cổ tức năm 2019. Sau khi phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 10,236 tỷ đồng lên hơn 47,325 tỷ đồng.
Ngày cuối cùng để phân bổ quyền là 23/12/2021. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/12/2021. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức 8% bằng tiền mặt.
Đồng thời, VCB cũng sẽ chi cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% (cổ đông sở hữu 1 cp sẽ nhận được 1,200 đồng). Ngày chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là 05/01/2022. Như vậy, với hơn 3.7 tỷ cp đang lưu hành, Ngân hàng dự kiến phải chi hơn 4,451 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2020.
Trước đó, tại Báo cáo kết quả thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến ngày 30/9/2021, trong đó Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã giảm 1.975 tỷ đồng tiền lãi, đứng thứ hai chỉ sau Agribank.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Vietcombank cũng phần nào cho thấy Vietcombank là ngân hàng giảm lãi suất cho vay khá mạnh từ đầu dịch đến nay.
Mặc dù dư nợ cho vay của ngân hàng tăng tới 11,5% lũy kế 9 tháng, cao hơn đáng kể trung bình ngành (khoảng trên 7%) nhưng thu nhập lãi từ cho vay chỉ tăng 5,6% so với 9 tháng cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 2.361 tỷ đồng, đạt 44.214 tỷ đồng.
Nguồn thu chính của ngân hàng từ hoạt động cho vay tăng khá chậm, một phần do giảm lãi suất cho vay. Nhưng kết thúc 9 tháng năm 2021, Vietcombank vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lên đến 21%, tương đương tăng 3.346 tỷ đồng, lên 19.311 tỷ đồng.
Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay được dãn rộng là nguyên nhân quan trọng nhất giúp thúc đẩy lợi nhuận của Vietcombank. Bên cạnh đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn (nguồn vốn có lãi suất rất thấp) của ngân hàng này tăng khá mạnh, lũy kế 9 tháng tăng 13%, nâng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng tăng từ 29,7% lên 31,3%. Hai điều này giúp chi phí trả lãi tiền gửi của Vietcombank giảm mạnh từ 24.800 tỷ đồng 9 tháng năm ngoái xuống 19.769 tỷ đồng năm nay, tức là giảm tới 5.031 tỷ đồng, tương đương giảm 20%.
Chi phí trả lãi tiền gửi giảm mạnh đã giúp cân bằng lại sự gia tăng đáng kể của chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lần lượt tăng 1.910 tỷ đồng (tương đương tăng 15%) và tăng 1.979 tỷ đồng (tương đương tăng 33%).
Ngoài ra, nguồn thu phi tín dụng tiếp tục gia tăng, theo tính toán tăng khoảng 1.464 tỷ đồng (tương đương tăng 17%), cũng giúp thúc đẩy lợi nhuận của Vietcombank.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, một điểm cũng rất đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Vietcombank đó là diễn biến nợ xấu. Theo đó, nợ xấu của Vietcombank đã tăng gấp đôi trong 9 tháng năm nay, từ 5.230 tỷ đồng lên 10.884 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu theo đó đã tăng từ 0,62% lên 1,16%.
Nợ xấu tăng cao đã khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank giảm mạnh từ 368% hồi đầu năm xuống 243% bất chấp ngân hàng này đã gia tăng dự phòng rủi ro (tăng 37% trong 9 tháng). Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh mặc dù là tín hiệu tiêu cực nhưng nhìn chung vẫn ở mức an toàn hơn nhiều so với đa số các ngân hàng trong hệ thống.
9 tháng năm nay, số liệu cho thấy trong kỳ, Vietcombank mới dùng 828 tỷ đồng dự phòng để xóa nợ xấu, thấp hơn nhiều mức cùng kỳ năm 2020 là 1.365 tỷ đồng nhưng tương đương với cùng kỳ năm 2019.