Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn là động lực chính với nhiều dư địa tăng trưởng
Trong báo cáo chiến lược mới được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện nay, toàn thị trường có khoảng 3,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân của nhà đầu tư trong nước, so với dân số Việt Nam khoảng 96 triệu người (~3,4%) và thấp hơn đáng kể so với các thị trường lân cận như Thái Lan (25-30%), Singapore (32%), Malaysia (18%).
Trong suốt 1 năm qua trong giai đoạn dịch bệnh, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân vào khoảng 43.400 tỷ và chiếm nhỏ hơn 1% trong tổng số tiền gửi cư dân tính đến tháng 4 2021. VDSC cho rằng sự gia tăng các nhà đầu tư mới vẫn còn rất nhiều dư địa trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất chưa thể tăng ngay do tác động của làn sóng Covid-19 lần bốn, VDSC kỳ vọng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục được giữ trong thị trường theo nguyên lý nước chảy chỗ trũng khi chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn (VN-Index đã tăng 28% so với thời điểm cuối năm 2020).
Tâm lý thị trường có thể được cải thiện trong ngắn hạn nhờ hệ thống giao dịch mới của FPT
Theo đó, FPT sẽ đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch mới trên sàn HOSE. Hệ thống này đặt mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày (năng lực lớn hơn 3-5 lần so với hệ thống hiện tại) và bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Từ đó, VDSC kì vọng tâm lý của nhà đầu tư sẽ cải thiện hơn so với giai đoạn trước đây khi hiện tượng nghẽn lệnh liên tục xảy ra.
Trong lần đánh giá mới nhất của MSCI trong tháng 6, Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn trong việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong đó, vấn đề về hệ thống giao dịch là một trong những vấn đề chính được MSCI đề cập bên cạnh các vấn đề về độ mở với nhà đầu tư nước ngoài, công bố thông tin, vv. Do đó, việc nâng cấp hệ thống giao dịch là một trong những việc làm cần thiết cho kì vọng nâng hạng của thị trường trong thời gian sắp tới.
Lo ngại về tác động nghiêm trọng của làn sóng Covid-19 thứ 4
Tính đến ngày 30/6/2021, VN-Index giao dịch với mức P/E 19,2 lần, cao hơn 19% so với mức P/E trung bình 3 năm (16,2 lần) nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2018 khi P/E chạm mốc 22,2 lần. Do đó, mức định giá của thị trường hiện nay không còn được coi là quá rẻ.
Bên cạnh đó, với diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 thứ 4, VDSC dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ đạt mức từ 10% đến 20% trong năm 2021. VDSC nâng P/E mục tiêu lên mức 17 lần (kỳ vọng cao hơn về thị trường khi hệ thống giao dịch mới được vận hành) và đưa ra khuyến nghị vùng dao động cho chỉ số VN-Index trong khoảng từ 1.370 đến 1.470.
Trong tháng này, VDSC cho rằng một số cổ phiếu vốn hóa lớn bao gồm TCB, GAS, MSN, VHM sẽ là động lực dẫn dắt VN-Index. Các cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc nhóm Chứng khoán, Tiêu dùng, Tiện ích cũng sẽ đóng góp tốt lên thị trường chung (với tỷ trọng nhỏ hơn) khi triển vọng KQKD quý 2 năm 2021 là tương đối tích cực. VDSC thận trọng với nhóm cổ phiếu Du lịch và Giải trí, Bán lẻ trước tác động tiêu cực của dịch bệnh khi quá trình giãn cách kéo dài.
Trong lịch sử, thị trường phản ứng tích cực vào tháng 7 (mùa ra báo cáo KQKD quý II) nhưng Covid-19 đã phá vỡ chuỗi tăng điểm đó vào năm 2020 nên sự thận trọng là có cơ sở khi mức độ dịch bệnh lần này có mức độ nghiêm trọng cao nhất từ trước đến giờ.
Nhật Minh