Vì sao Bộ GD-ĐT rút đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay bộ này rút đề xuất tăng học phí vì tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Chiều 13-11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng vừa cho biết Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét cho phép gia hạn áp dụng nghị định 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học.

Lý giải về quyết định này, ông Thưởng cho biết trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo, Bộ GD-ĐT nhận thấy tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhập học. Bộ GD-ĐT chính thức rút quy định tăng học phí ở tất cả các cấp học.  
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhập học. Bộ GD-ĐT chính thức rút quy định tăng học phí ở tất cả các cấp học.  

Để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng nghị định số 86 đối với năm học 2021-2022 với mức học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức học phí của năm học 2020-2021 đã được quy định tại nghị định số 86; mức học phí mầm non, phổ thông áp dụng theo khung của năm học 2020-2021 và tiếp tục giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét phê duyệt.

Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác vẫn thực hiện theo quy định tại nghị định số 86 và các văn bản liên quan đã ban hành.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị được lùi thời gian trình ban hành nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo nghị định "Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo". Dự thảo nghị định đã được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân. Bộ GD-ĐT đã tổng hợp đầy đủ kết quả báo cáo của 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo.

Theo dự thảo này, Bộ GD-ĐT đề xuất từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021. Mức học phí cho các năm tiếp theo tăng với tỉ lệ tương ứng.

Đề xuất căn cứ vào dự báo tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm.

Yến Anh

Theo Người lao động