Vicostone (VCS) muốn mua lại 4,8 triệu cổ phiếu nhằm đảm bảo lợi ích cổ đông

Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc quỹ khác và được ủy quyền cho HĐQT công ty quyết định.

Vicostone (VCS) muốn mua lại 4,8 triệu cổ phiếu nhằm đảm bảo lợi ích cổ đông - Ảnh 1

CTCP Vicostone (Mã: VCS) vừa có văn bản liên quan đến việc mua lại 4,8 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ. Lý do được doanh nghiệp cho biết, việc mua lại cổ phiếu là bảo vệ lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư trước diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán.

Giá mua lại sẽ do HĐQT quyết định tại thời điểm giao dịch. Chốt phiên ngày 14/12, Vicostone có 160 triệu cổ phiếu đang lưu hành, cổ phiếu VCS dừng tại mốc 51.900 đồng/cp, mất một nửa giá trị so với thời điểm cuối tháng 3. Với mức giá này, doanh nghiệp có thể chi khoảng 249 tỷ để mua lại 4,8 triệu cổ phiếu.

Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc quỹ khác và được ủy quyền cho HĐQT công ty quyết định.

Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận. Thời gian dự kiến thực hiện là trong quý I/2023.

Uớc tính quý III/2022, doanh nghiệp ghi nhận với doanh thu thuần đạt 1.093 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế ước tính lần lượt là 235 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

Doanh thu của Vicostone quý vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý III/2018. Với nguồn doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu. Lạm phát gia tăng trên toàn cầu đang làm xói mòn thu nhập thực tế và mức sống của các hộ gia đình, đồng thời làm giảm tiêu dùng. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đá giảm do không nằm trong nhóm hàng hóa thiết yếu.

Cùng đó, lãi suất tăng cũng gây khó lĩnh vực bất động sản, do doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà thường sử dụng nguồn vốn đi vay ngân hàng. Do đó, đơn hàng và doanh thu công ty sụt giảm tại hầu hết các thị trường, đặc biệt là thị trường chính gồm Bắc Mỹ, châu Âu.

Phía công ty cũng cho biết Vicostone còn gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm đá nhân tạo giá rẻ từ đối thủ trong ngành. Bên cạnh đó, sản phẩm đá nhân tạo cũng phải cạnh tranh với đá tự nhiên, gốm sứ và đá nung kết, pocerlain trong các ứng dụng dân dụng từ trung bình đến cao cấp ở hầu hết các thị trường, đặc biệt tại Úc, Canada, Mỹ.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Vicostone ước đạt 4.431 tỷ đồng doanh thu, 1.119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 941 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tương ứng 14,89%, 27,44% và 27,88% so với cùng kì năm 2021.

Theo 1 báo cáo trong tháng 8 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhu cầu tiêu thụ nhà tại Mỹ vẫn lớn do nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp. Tỷ lệ lấp đầy nhà thuê tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nhà sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 và 2023 do nhu cầu sử dụng đang lớn. Tuy nhiên, với lạm phát ở mức cao và lãi suất liên tục tăng khiến các khoản chi phí mua nhà tăng (chủ yếu do chi phí lãi vay khi mua trả góp ở mức cao). Sản lượng tiêu thụ BĐS dự báo sẽ chậm lại.

Bên cạnh đó, rủi ro của Vicostone từ chịu thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ thấp nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. BVSC nhận thấy giá bán xuất khẩu hiện tại của Việt Nam vẫn đang cao hơn mức giá nhập khẩu đá thạch anh nhân tạo trung bình tại Mỹ nên rủi ro bị kiện chống bán phá giá không quá lớn. Việt Nam không có hoạt động trợ cấp, ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo, rủi ro bị cáo buộc trợ cấp ở mức thấp.

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên khiến biên lợi nhuận giảm xuống trong ngắn hạn. BVSC đánh giá việc tự chủ nguồn cung đầu vào giúp Vicostone tiết giảm chi phí NVL đầu vào nhờ đi từ các sản phẩm thô ban đầu và giảm được biến động chi phí NVL. Hiện Vicostone đang tương đối chủ động về nguồn cung 2 nguyên liệu.

Vicostone đóng vai trò là đầu mối kinh doanh đá nhân tạo của cả tập đoàn Phenikaa. Điều này giúp chuyên môn hóa việc cung cấp NVL cũng như giúp thống nhất chính sách bán hàng cho cả tập đoàn. Ngoài ra, nâng cao năng lực cạnh tranh, quy mô của VCS.

Ngoài ra, rủi ro các lệnh cấm hay hạn chế tiêu thụ đá nhân tạo tại thị trường Úc chưa quá lớn nhờ các biện pháp về đảm bảo môi trường làm việc hạn chế bụi.