Cụ thể, UOB dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê công cho thấy, tăng trưởng GDP trong quý III/2022 ở mức 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng kỷ lục theo quý đối với Việt Nam và vượt qua mức tăng 13,5% của Ấn Độ trong quý II để trở thành kết quả tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á trong năm nay.
Nhờ đó, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm của Việt Nam tăng 8,83% so với cùng kỳ và cao hơn đáng kể so với mức tăng 6,2% đạt được trong 2 quý đầu năm.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động được thúc đẩy như xây dựng (kết quả gộp 3 quý đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và so với 3,7% trong quý 2/2022), sản xuất (10,7% và so với 9,7% trong quý 2) và dịch vụ (10,6% và so với 6,6 % trong quý 2).
Sự phục hồi đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ, khi mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 3 quý đã tăng gần 42% so với cùng kỳ và so với mức hơn 11% trong quý II. Các dữ liệu công bố hàng tháng khác cũng cho thấy các hoạt động nhìn chung đã trở lại bình thường cùng với việc nới lỏng các biện pháp chống COVID-19 và mở cửa lại biên giới.
Trong nước, lĩnh vực bán lẻ được hưởng lợi đáng kể khi tiếp tục duy trì mức khả quan trong tháng thứ 8 liên tiếp và ghi nhận mức tăng cho đến quý 3/2022 là 15,8% so với cùng kỳ năm trước, kéo dài mức tăng 11,3% đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, chi tiêu liên quan đến du lịch đến hết quý 3/2022 đã tăng 294,9% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 94,4% tính đến tháng 6.
Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, UOB cho rằng nền kinh tế vẫn còn những chỉ báo vĩ mô cần được theo dõi sát sao. Đó là nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở các nền kinh tế đã khiến xuất khẩu chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ, chậm đáng kể so với mức tăng 17,3% tính gộp từ đầu năm. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2022 đạt 29,9 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình của năm 2022 là 31,3 tỷ USD. Tương tự đối với nhập khẩu, tháng 9/2022 chỉ đạt mức tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong khi 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ.