HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG) vừa thông qua phương án sửa đổi việc phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2022.
Cụ thể, ngân hàng sẽ chào bán tổng cộng 9.000 tỷ đồng trái phiếu chia làm hai đợt phát hành.
Đợt một, ngân hàng dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu CTG2230T2/01 kỳ hạn 8 năm và 3.000 tỷ đồng trái phiếu CTG2232T2/01 kỳ hạn 10 năm trong quý IV/2022 – quý I/2023.
Đợt hai, CTG sẽ chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu CTG2230T2/02 kỳ hạn 8 năm và 2.500 tỷ đồng trái phiếu CTG2232T2/02 kỳ hạn 10 năm trong quý II – quý III/2023.
Trường hợp đợt 1 chưa phát hành hết khối lượng chào bán như dự kiến thì phần bán chưa hết được chuyển qua đợt 2 tương ứng theo từng kỳ hạn trái phiếu.
Lãi suất của các trái phiếu trên là lãi suất thả nổi (có điều chỉnh theo định kỳ), áp dụng cho toàn bộ thời hạn của mỗi trái phiếu, tính theo tỷ lệ phần trăm trên năm (%/năm) và được xác định theo công thức: Lãi suất mỗi trái phiếu = lãi suất tham chiếu + biên độ lãi suất.
Lãi suất tham chiếu tính theo bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND, trả sau, kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng VietinBank, VCB, BIDV, Agribank.
Biên độ lãi suất được HĐQT giao Tổng giám đốc/Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành hoặc Phó tổng giám đốc phụ trách khối tài chính quyết định và biên độ lãi suất trái phiếu phát hành căn cứ vào điều kiện thị trường và khả năng cân đối vốn của CTG, tại thời điểm đăng ký chào bán trái phiếu bảo đảm tuân thủ và phù hợp với quy định của NHNN.
Đối với trái phiếu kỳ hạn 8 năm, CTG thực hiện quyền mua lại trái phiếu sau 3 năm từ ngày phát hành; trái phiếu kỳ hạn 10 năm, CTG thực hiện quyền mua lại sau 5 năm.
Thời gian phát hành trái phiếu đợt 1 dự kiến trong quý IV/2022 – quý I/2023, đợt 2 dự kiến trong quý II/2023 – quý III/2023.
CTG sẽ dùng 9.000 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế (bao gồm các khoản cho vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu) với một số ngành nghề, lĩnh vực.
Nếu số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán không đủ để sử dụng cho toàn bộ mục đích như kế hoạch, VietinBank sẽ sử dụng và bố trí nguồn vốn thông qua các kênh huy động vốn khác như tiền gửi dân cư, tổ chức; phát hành giấy tờ có giá khác.
Tính riêng trong quý 3, nguồn thu chính đem về cho VietinBank gần 12,924 tỷ đồng, tăng 31%.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (+27%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+69%), lãi từ hoạt động khác (gấp 6.1 lần)…
Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 136 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2 mảng này đều có lãi.
Thêm vào đó, kỳ này, Ngân hàng trích gần 8,321 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 50% so với cùng kỳ, do đó VietinBank thu được gần 4,157 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 36%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng dành ra 18,631 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (+33%), do đó VietinBank đạt hơn 15,764 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, VietinBank đặt kế hoạch tăng 15% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, lên hơn 19,389 tỷ đồng, và được điều chỉnh theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước. So với kế hoạch này, Ngân hàng đã thực hiện được 79% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.
Quy mô tổng tài sản tại thời điểm cuối quý 3 tăng 14% so với đầu năm, lên hơn 1.75 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi NHNN giảm 39% (còn 14,378 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng đến 63% (210,978 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 10% (gần 1.25 triệu tỷ đồng)… Tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% lên gần 1.19 triệu tỷ đồng.