Vinatex dự chi 250 tỷ đồng tạm ứng cổ tức năm 2021

Với 500 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinatex sẽ phải chi 250 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông. Thời gian thanh toán vào ngày 31/3.

Vinatex dự chi 250 tỷ đồng tạm ứng cổ tức năm 2021 - Ảnh 1

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT - UPCoM) thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tạm ứng cổ tức năm 2021.

Cụ thể, doanh nghiệp đưa ra phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 500 đồng. Thời gian chốt danh sách vào ngày 1/3.

Như vậy, với 500 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinatex sẽ phải chi 250 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông. Thời gian thanh toán vào ngày 31/3.

Trong quý IV/2021, Vinatex đạt 4.981,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 39% so với quý IV/2020. Giá vốn cũng tăng 32% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp tăng 102%, lên 757,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể từ 10,5% lên 15,2%. Kết quả, Vinatex lãi sau thuế 440,9 tỷ đồng, tăng 192% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế năm 2021, toàn Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần tăng 16% so với cùng kỳ, đạt gần 16.094 tỷ đồng. Lãi trước thuế đạt 1.445,6 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 1.312,5 tỷ đồng, tăng 134%.

Năm 2021, VGT đặt kế hoạch đem về 17.365 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, so với kế hoạch năm, VGT đã thực hiện được 93% chỉ tiêu doanh thu, song đã vượt 106,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

SSI Research đánh giá, trong khi hầu hết các công ty may mặc đều trải qua chặng đường phục hồi không mấy thuận lợi, những công ty đạt kết quả nổi bật lại là các công ty sản xuất sợi, đặc biệt là các công ty sản xuất sợi bông (sợi polyester thường ít biến động về giá hơn). Giá sợi toàn cầu đã bắt đầu cao hơn năm 2019 kể từ cuối tháng 2 và đạt đỉnh vào Q3/2021 khi giá sợi polyester và bông tăng khoảng 30% -50% so với cùng kỳ, do giá bông và dầu tăng vọt. Điều này là do nhu cầu về sợi tăng nhanh, khi nguồn cung sợi của Trung Quốc dần cạn kiệt. Mặt khác, lệnh cấm của Mỹ đối với bông có xuất xứ từ vùng Tân Cương cũng gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và đẩy giá bông lên cao hơn. Trong 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam đạt 5,1 tỷ USD (+38% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu sợi) tăng 44%.

Bối cảnh kinh doanh như trên khiến các công ty dệt may niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều trong 9 tháng đầu năm 2021. Các công ty may mặc có trụ sở tại miền Bắc, như TNG và MSH, không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong quý III/2021. Với một số khó khăn, không có gì ngạc nhiên khi các công ty tại khu vực này công bố mức tăng trưởng NPATMI cao, lần lượt là 31% và 105% so với cùng kỳ. Hai doanh nghiệp VGG và TCM, đều có trụ sở tại miền Nam, có mức giảm đáng kể lần lượt là -44% và -41% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, hầu hết các công ty sản xuất sợi đều có mức tăng trưởng mạnh, điển hình là STK (+171% so với cùng kỳ) và ADS (+ 3483% so với cùng kỳ) trong 9T2021. Trong 5 năm qua, các cổ phiếu ngành dệt may giao dịch với hệ số P/E trung bình là 8x. Tuy nhiên, năm nay, toàn bộ ngành đã được định giá lại, với chỉ số PE lên 14 lần, được hỗ trợ bởi sự thay đổi của ngành sợi và triển vọng trung hạn tích cực của ngành may mặc khi một số công ty đã và đang mở rộng công suất.