VinIF và hành trình 6 năm thay đổi tư duy nghiên cứu và đào tạo khoa học công nghệ tại Việt Nam

Sau 6 năm gắn bó và đồng hành cùng khoa học công nghệ Việt Nam, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup - VinIF (thuộc VinBigdata) không chỉ tạo ra những thay đổi tích cực trong tư duy và văn hoá hoạt động khoa học nước nhà mà còn trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy nguồn lực nghiên cứu khoa học từ khu vực tư nhân.

Những thay đổi tích cực trong đào tạo khoa học công nghệ tại Việt Nam

Hơn 3.500 nhà khoa học được trợ lực, hơn 80 sáng chế mới trong nước và quốc tế, trên 600 công trình công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín là những con số ấn tượng về thành quả mà Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup - VinIF (thuộc VinBigdata) đã đạt được trong 6 năm sát cánh cùng khoa học công nghệ (KHCN) Việt.

Với nhiều nhà khoa học và các trường đại học, đây là động lực vô cùng ý nghĩa. PGS.TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết trong 5 năm qua, trường đã nhận khoảng 80 tỷ đồng tài trợ từ Quỹ VinIF thông qua nhiều dự án KHCN, gần 200 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ. “Đây chắc chắn là một nguồn động viên rất có ý nghĩa với thế hệ những nhà khoa học tương lai, với trường và với toàn xã hội”, ông bày tỏ.

Các ứng viên nhận tài trợ học bổng năm 2024 của Quỹ VinIF.
Các ứng viên nhận tài trợ học bổng năm 2024 của Quỹ VinIF.

Tuy vậy, giá trị mà VinIF mang lại không chỉ dừng lại ở những con số đó. Quỹ đã tạo ra một nguồn cảm hứng cho các Trường đại học xây dựng các chương trình học bổng và tài trợ riêng nhằm thúc đẩy đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu khoa học.

“Nhờ có nguồn cảm hứng từ VinIF, chúng tôi đã mạnh dạn ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sĩ với mức hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc”, GS.TS. Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Bên cạnh các chương trình tài trợ dự án và học bổng, Quỹ VinIF cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ thông qua việc hợp tác với 6 viện nghiên cứu và trường đại học lớn, tiên phong xây dựng và đào tạo hệ Thạc sĩ 2 ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Đây là những ngành đào tạo mới, mang tầm chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ được xác định là động lực chính để bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Quỹ VinIF hỗ trợ các dự án khoa học triển khai ý tưởng ra thực tế.
Quỹ VinIF hỗ trợ các dự án khoa học triển khai ý tưởng ra thực tế.

“Trước năm 2022, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chưa có mã ngành trong danh mục của Bộ Giáo dục & Đào tạo và chỉ là chuyên ngành trong các ngành khác. Để mở ngành, một trong các yêu cầu bắt buộc là phải có sự phối hợp và hợp tác với doanh nghiệp. Vì vậy với sự đồng hành của VinIF, chúng tôi không chỉ mở được ngành đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng mà còn thu hút được nhiều sinh viên cho các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngành khác”, PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ (Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn) chia sẻ.

Chỉ sau 3 năm triển khai chương trình, hai lĩnh vực đào tạo là Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã định danh thành những ngành đào tạo độc lập.

Đánh giá về những đóng góp của của Quỹ VinIF trong 6 năm vừa qua, PGS.TS. Lê Chí Hiếu (Đại học Greenwich, Vương quốc Anh - chuyên gia Hội đồng khoa học của Quỹ VinIF) cho rằng Quỹ không chỉ khẳng định được vị thế quan trọng đối với nền KHCN Việt Nam mà còn đang từng bước tạo được uy tín ở phạm vi quốc tế.

“Các chương trình tài trợ học bổng và hợp tác đào tạo sau đại học của Quỹ thực sự đã và đang ươm mầm, đóng góp tích cực vào việc tạo ra nguồn nhân lực quý và mạng lưới chuyên gia về khoa học công nghệ rất cần thiết cho Việt Nam, đặc biệt là trong những năm tới, khi mà tính cạnh tranh về mặt khoa học và công nghệ ngày càng khốc liệt hơn”, PGS.TS. Hiếu chia sẻ.

Nguồn cảm hứng thúc đẩy nguồn lực nghiên cứu từ khu vực tư nhân

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2017-2023, chi ngân sách dành cho KHCN đã giảm dần. Đặc biệt, năm 2023, tỷ lệ chi ngân sách đạt mức thấp nhất, chỉ chiếm 0,82% tổng chi ngân sách. Việc huy động và thúc đẩy gia tăng nguồn lực nghiên cứu khoa học ở khu vực ngoài công lập là điều cần thiết.

Trong khi đó, Quỹ VinIF là một chương trình phi lợi nhuận do Tập đoàn Vingroup thành lập năm 2018, nhằm hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt của GS. Vũ Hà Văn (Giám đốc Khoa học Quỹ VinIF), tính đến hết năm 2024, VinIF đã tài trợ 124 dự án KHCN, 748 học bổng thạc sĩ, 787 học bổng tiến sĩ, 240 học bổng sau tiến sĩ cùng các chương trình và sự kiện khoa học khác với tổng kinh phí lên đến trên 900 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ công bố các chương trình tài trợ 2024 của Quỹ VinIF.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ công bố các chương trình tài trợ 2024 của Quỹ VinIF.

Chia sẻ tại Lễ công bố các chương trình tài trợ 2024 vào ngày 20/12 vừa qua của Quỹ VinIF, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết Bộ cũng đang trong quá trình cập nhật, hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, trong đó việc khai thông, phát huy các đóng góp từ nguồn lực ngoài ngân sách đặc biệt được chú trọng.

“Từ thành công của VinIF, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác nhằm gia tăng nguồn lực nghiên cứu ở khu vực ngoài công lập, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, kết nối hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.

Những thành tựu và kết quả Quỹ VinIF đạt được trong thời gian vừa qua cũng được ghi nhận và đánh giá cao bởi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Bộ trưởng cho rằng một trong những đóng góp lớn của VinIF là đóng góp một mô hình cùng cách thức vận hành của một quỹ tài trợ nghiên cứu KHCN tiên tiến ở Việt Nam.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ KH&CN cũng đang triển khai các điều chỉnh chính sách, trong đó có đề xuất đưa vào Luật KH&CN các quy định chấp nhận rủi ro, độ trễ và việc giao tài sản tự động và không bồi hoàn đối với nghiên cứu KH&CN nhằm thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc.

PV