CTCP VNG (VNG) vừa công bố loạt tờ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 (theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản) liên quan đến việc chào bán cổ phiếu quỹ; miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Theo văn bản, công ty muốn chào bán riêng lẻ toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, chiếm 24,7% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG.
Giá chào bán là 177.881 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về tối đa hơn 1.264 tỷ đồng. Cổ phiếu quỹ này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Tại ngày 30/9, toàn bộ số cổ phiếu quỹ của VNG được ghi nhận giá trị 1.932 tỷ đồng.
Số cổ phiếu này sẽ được chào bán riêng lẻ cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong nước là CTCP Công nghệ BigV. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2023, sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Hội đồng quản trị (HĐQT) VNG cũng trình cổ đông chấp thuận cho BigV không phải chào mua công khai cổ phiếu quỹ của công ty.
Theo giới thiệu, Công ty Công nghệ BigV có vốn điều lệ 101 tỷ đồng, được thành lập tháng 8/2021 hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính. Người đại diện pháp luật là ông Ngô Vi Hải Long.
VNG cho biết Công ty Công nghệ BigV đáp ứng các điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không thuộc trường hợp không được mua cổ phần của VNG, không phải là công ty con của VNG, và không cùng thuộc một công ty mẹ với VNG.
Hiện tại, BigV đang nắm 5,7% vốn điều lệ của VNG. Nếu việc chuyển nhượng thành công, BigV sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 30,5% của công ty công nghệ này, tương ứng hơn 8,7 triệu cổ phiếu nắm giữ.
Nếu thương vụ thành công, trong hơn 1.264 tỷ đồng thu được, VNG dự kiến sẽ chi 764 tỷ đồng cho chi phí bản quyền phần mềm trò chơi, 500 tỷ đồng còn lại dùng cho marketing.
Trường hợp thiếu hụt vốn dự kiến thu được từ đợt chào bán, VNG sẽ sử dụng bù đắp bằng nguồn vốn khác của công ty hoặc vay ngân hàng hoặc huy động từ các nguồn khác hợp lệ.
Theo BCTC quý III/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ. Các khoản chi phí lại bật tăng khiến Công ty lỗ ròng gần 138 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 150 tỷ đồng).
Cụ thể, quý III, VNG đạt doanh thu đạt gần 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 1%, còn hơn 1,15 nghìn tỷ đồng. Hậu khấu trừ, Công ty có lãi gộp 943 tỷ đồng, giảm 7%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính chia 2 so với cùng kỳ, còn hơn 23 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm mạnh 91%, còn hơn 700 triệu đồng. Các khoản chi phí đều bật tăng, trong đó chi phí bán hàng tăng 12%, lên gần 715 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30%, lên 380 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty lỗ gần 28 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết (cùng kỳ lỗ 10 tỷ đồng), và khoản lỗ khác hơn 26 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 21 tỷ đồng). Kết quả, VNG lỗ ròng gần 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 15 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng, doanh thu của VNG đạt hơn 5,76 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty lỗ ròng hơn 419 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 529 tỷ đồng). So với kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022, VNG mới thực hiện được 56% mục tiêu doanh thu, nhưng đã lỗ thêm 108 tỷ đồng so với kế hoạch năm (lỗ ròng 311 tỷ đồng).