Có thể nói, trong làn sóng dịch Covid -19 lần này,chủ trương và phương châm của Chính phủ đưa ra là: “Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch”. Phương châm này liên tục xuất hiện với tần suất lớn, mật độ dày trên các phương tiện báo chí, truyền thông đại chúng và được các cấp lãnh đạo nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khi trực tiếp đến chỉ đạo, kiểm tra, làm việc tại các cơ sở đang là “điểm nóng” của dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Khi áp dụng Chỉ thị 16, phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt các biện pháp giãn cách xã hội, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ nhiệm vụ này”.
Tuy nhiên, để “nhận thức đúng” và “thực hiện đúng” đúng phương châm nói trên là cả một quá trình và cần được quán triệt đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, người dân.
Pháo đài là gì? Vì sao người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19?
Xã, phường là nơi trực tiếp gắn với dân, cũng là một hệ thống chính trị tương đối đầy đủ như ở Trung ương: có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Việc phân định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy là như vậy, từ đây chúng ta rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội dưới sự điều hành, quản lý theo Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ".
Việc chủ trương “lấy xã, phường là pháo đài phòng, chống dịch” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hệ thống chính trị và mô hình quản trị ở Việt Nam. Vì xã, phường là nơi cứ trú của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống chính trị ở xã, phường là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Nói đến “xã phường là pháo đài chống dịch” thực chất nhằm khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao vị trí, tầm mức ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với sự thành bại của nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
“Người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch” nhằm nhấn mạnh vị trí, vai trò có ý nghĩa quyết định của mọi người dân trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”.
Vì nhân dân là thành phần đông đảo nhất trong xã hội. Sức mạnh của nhân dân là sức mạnh dời non lấp bể, sức mạnh “đập đá vá trời”, do đó việc huy động sức dân, làm cho mọi người dân đồng tình, ủng hộ và chủ động, tích cực, tự giác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ nhằm phát huy sức mạnh tổng lực để sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, mà còn góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm này. Thực hiện tốt vấn đề này chính là quán triệt, cụ thể hóa cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Muốn xã, phường thật sự trở thành pháo đài chống dịch hiệu quả thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền phải biết xây dựng các phương án, kế hoạch “tác chiến” chống dịch một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý, kinh tế, xã hội, phong tục văn hóa và tình hình dịch tễ ở địa phương; đồng thời biết bố trí, sử dụng các lực lượng, đội hình chống dịch một cách hợp lý; có sự phân công, phối hợp rõ ràng, hiệu quả của các thành phần tham gia chống dịch gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân trên từng vị trí công tác.
Mặt khác, để mỗi người dân trở thành một chiến sĩ phòng, chống dịch thì yêu cầu cán bộ cơ sở (xã/phường, thôn/bản, khu/tổ dân phố) phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn nhân dân hiểu biết và nắm được các kỹ năng cơ bản trong việc bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng trên địa bàn cư trú.
Tựu trung lại, “lấy xã, phường là pháo đài chống dịch” hàm ý mong muốn và nhắc nhở xã, phường ở nơi có dịch thì phải biết phát huy sức chiến đấu tại chỗ để sớm đẩy lùi, tiêu diệt “giặc COVID-19”; còn đối với các xã phường đang ở “vùng xanh” thì kiên quyết phải giữ vững vành đai an toàn, không để dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan vào cộng đồng.
“Pháo đài” phát huy sức mạnh, hiệu quả
Hiệu quả từ việc chuyển hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là phương châm mà đã trở thành hành động thiết thực từ phía Chính phủ. Trong thời gian qua, tại các cuộc họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, với lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trong các lần đi kiểm tra công tác chống dịch ở địa phương, người đứng đầu Chính phủ luôn yêu cầu có sự kết nối trực tuyến với lãnh đạo các phường, xã, thị trấn.
Ngày 27/8, không lâu sau khi có Công điện số 1099/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng không chỉ làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh mà còn làm việc trực tuyến với cán bộ lãnh đạo 171 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Thủ tướng coi 171 xã, phường là các pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ trong pháo đài chống dịch đó.
Tiếp đó, chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các địa phương trên cả nước về công tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay. Cuộc họp được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện và tất cả 9.043 đơn vị hành chính cấp xã.
Tại cuộc họp vào chiều 5/9, Bộ Y tế cho biết, Trung tâm Chỉ huy và kiểm tra trực tuyến về phòng, chống dịch đã được thiết lập và kết nối đến hơn 5.500 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước (hơn 50% số xã, phương, thị trấn); 19 tỉnh, thành phố phía Nam kết nối với 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn (đạt 100% số xã, phường, thị trấn).
Tính đến hết 30/8, trong 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, có 6 tỉnh đang kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, gồm: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. 13 tỉnh, thành phố đang quyết liệt, tích cực tiếp tục lộ trình đạt các tiêu chí kiểm soát dịch gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Riêng 4 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, dù đã rất cố gắng, nỗ lực với trách nhiệm cao, bám sát địa bàn, bám sát thực tế nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là TP. Hồ Chí Minh do nhiều đặc thù về dân cư, xã hội nên tình hình khó khăn. Các địa phương này cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Kết quả trên là minh chứng cho thấy, phương châm “lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch” đang phát huy hết sức hiệu quả trong công tác phòng chống dịch hiện nay.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.