Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 9/2024 đạt 13,09 nghìn tấn, trị giá 23,12 triệu USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 22,5% về trị giá so với tháng 9/2023.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 105,84 nghìn tấn, trị giá 185,65 triệu USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 1.754 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Pakistan tiêu thụ 33,3% tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam, đạt 35,22 nghìn tấn, với trị giá 74,18 triệu USD, tăng 5,5% về lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 245,6% về lượng và tăng 108,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 10,47 nghìn tấn, với trị giá 14,94 triệu USD.
Đài Loan (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 2, chiếm trên 10% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 10,8 nghìn tấn, tương đương 18,7 triệu USD.
Thị trường Đông Á vươn lên đứng thứ 3 trong năm 2024 và liên tục duy trì vị trí này, đạt 10,4 nghìn tấn, tương đương 14,9 triệu USD, tăng 245% về lượng, tăng 109% về kim ngạch. Riêng tháng 9, nước tỷ dân đã tăng nhập hơn 387% lượng chè từ Việt Nam và tăng 123% về giá trị.
Theo ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, giá chè xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc chỉ đạt 1.426 USD/tấn, giảm 39% so với cùng kỳ. Mức giá này thấp hơn so với Pakistan và Đài Loan và thấp hơn giá toàn thị trường. Nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách thuế ưu đãi đối với chè nhập khẩu từ các nước ASEAN, khiến giá chè Việt Nam có sức cạnh tranh hơn trên thị trường này.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Việt Nam đang là nhà cung cấp chè lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, chiếm tỷ trọng hơn 24% về sản lượng. Tuy nhiên, xét về trị giá thì Việt Nam chỉ đứng thứ 2, sau Sri Lanka. Điều đáng nói, Trung Quốc chính là nơi khai sinh ra trà và văn hóa uống trà. Nước này cũng chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ. Các khách hàng của Trung Quốc bao gồm châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Mặc dù diện tích trồng cây chè tại Trung Quốc là rất lớn, các yếu tố như thời tiết, đất đai,... năng suất thu hoạch lại không cao trong khi nhu cầu từ người dân là rất lớn. Bởi vậy quốc gia này vẫn phải tăng cường nhập khẩu chè từ các thị trường khác, bao gồm cả Việt Nam.
Diện tích trồng chè của Việt Nam chỉ bằng 1/14 của Trung Quốc, nhưng năng suất chè của Việt Nam cao hơn đáng kể. Do đó, Việt Nam có tiềm năng to lớn để mở rộng xuất khẩu chè sang Trung Quốc và các thị trường toàn cầu khác.
Theo nghiên cứu từ Research and Markets, thị trường chè toàn cầu đạt 52,7 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 70,19 tỷ USD vào năm 2028. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự thay đổi trong lối sống và nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về lợi ích sức khỏe của việc uống chè.
Cùng với nhu cầu tăng cao, các sản phẩm chè cũng đang có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Trong thời gian tới, các dòng sản phẩm như chè cao cấp uống tại nhà, chè có lợi cho sức khỏe, và chè ủ lạnh được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường. Với lợi thế trong sản xuất, Việt Nam đang sở hữu một kho "vàng xanh" quý giá, mở ra cơ hội chiếm lĩnh một phần trong “miếng bánh” 70,19 tỷ USD này.