Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 1/2024 đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoại trừ việc năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, nếu so sánh với cùng kỳ những năm trước đó, doanh số xuất khẩu tôm tháng 1 vẫn là một tín hiệu tích cực. Giá tôm nguyên liệu ở một số địa phương cũng có xu hướng nhích lên trong tháng đầu năm.
Các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng hai con số, giá trị xuất khẩu tôm loại khác tăng trưởng ba con số. Các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh hơn các sản phẩm tôm chế biến.
Trong số các thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất 275%, đạt 42 triệu USD trong tháng 1. Đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1, chiếm tỷ trọng 17,5%.
Xuất khẩu tôm của Ecuador (đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc) năm nay dự kiến không mấy suôn sẻ do phải đối mặt với tình trạng mất an ninh trong ngành tôm và khó khăn chung của ngành tôm toàn cầu. Cùng với nhu cầu lớn từ Trung Quốc và chính sách ưu tiên nhập khẩu của nước này, đây có thể được coi là cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc trong năm 2024.
Tháng 1, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn tiếp nối đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2023, tăng 77% đạt 41 triệu USD. Diễn biến xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2024 sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam.
Tại thị trường Mỹ, Việt Nam chiếm 10% thị phần, đứng thứ 4 sau Ấn Độ (36%), Ecuador (22%), Indonesia (18%). Năm 2023, tôm nguyên liệu bóc vỏ được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ, ghi nhận tăng trưởng nhẹ; tôm bao bột, tôm hấp ghi nhận giảm.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng đầu năm nay tăng trưởng lần lượt 30% và 21% đạt 37 triệu USD và 23 triệu USD.
Sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2023, xuất khẩu tôm sang EU đã ghi nhận tăng 22% đạt 30 triệu USD trong tháng đầu năm nay.
Sau con số tăng trưởng trong tháng đầu năm, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành tôm năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu, tồn tại những vấn đề nhưlượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador.
Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Mỹ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà NK.
Theo VASEP, tôm Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung và chu kỳ giảm giá có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024. Tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao cộng với bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới.
Doanh nghiệ xuất khẩu tôm mong đợi từ Chính phủ, bộ ngành những biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn nuôi tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống. Ngoài ra, doanh nghiệp kỳ vọng được hỗ trợ tích cực các vấn đề liên quan đến thị trường Mỹ như vụ điều tra thuế CVD, thị trường Hàn Quốc như vấn đề hạn ngạch.