Tham dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Y Thanh Hà Nie K’đăm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hoàng Đạo Cương- Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Bộ Y tế; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Đoàn công tác của Quốc hội.
Dự sự kiện về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cùng dự buổi lễ còn có các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo sở, ban ngành các tỉnh bạn Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, cho biết: Nghệ thuật khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông là những di sản mang đậm sắc thái văn hóa; thể hiện sự sáng tạo, trình độ nghệ thuật cũng như bản lĩnh, cốt cách, văn hóa ứng xử của người Mông trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn trân trọng cảm ơn lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, các chuyên gia, các nhà khoa học đã luôn quan tâm, đồng hành, hướng dẫn và giúp đỡ tỉnh Yên Bái trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ khoa học của 02 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải.
Đồng chí cũng ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các nghệ nhân và nhân dân các dân tộc ba huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông; đặc biệt cảm ơn các nghệ nhân, diễn viên quần chúng và các em học sinh - với niềm tự hào dân tộc và tình yêu di sản, đã tích cực góp phần lan tỏa giá trị di sản và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự kiện hôm nay.
Hưởng ứng Lễ công bố Quyết định và đón nhận Chứng nhận 02 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, mang đậm sắc màu văn hóa của các địa phương vùng du lịch phía Tây tỉnh Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn hy vọng các đại biểu, nhân dân và du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc, khó quên về Yên Bái - vùng đất thiên nhiên tươi đẹp, nơi hội tụ sắc màu văn hóa, hứa hẹn là một điểm dừng chân lý tưởng trên cung đường khám phá miền Tây Bắc với những con người thân thiện, nhân ái, mến khách.
Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật công phu, hoành tráng có chủ đề "Thanh âm giữa ngàn mây”. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1- Khát vọng non cao, Chương 2- Âm vang mây ngàn, Chương 3- Điệu khèn hội tụ với sự tham gia thể hiện của các nghệ sỹ, diễn viên đến từ Thủ đô Hà Nội và Yên Bái cùng gần 2.000 diễn viên quần chúng, nghệ nhân, các em học sinh huyện Mù Cang Chải đã đưa đại biểu, nhân dân, du khách đắm chìm trong không gian nghệ thuật rực rỡ sắc màu văn hóa, đặc biệt là sắc màu văn hóa dân tộc Mông, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội, huyện Mù Cang Chải tái hiện Không gian văn hóa dân tộc Mông từ ngày 22 - 24/12, Không gian Chợ phiên từ ngày 22 - 24/12 tại thị trấn Mù Cang Chải để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Ngoài ra, còn có các hoạt động giao lưu: Hội thi múa khèn tốp, trải nghiệm giã bánh dày và bay dù lượn tại đèo Khau Phạ.
Dịp này, các gian hàng trưng bày sẽ giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông đặc sản đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đặc biệt, du khách còn được đắm chìm trong không gian rực rỡ sắc hồng của hoa Tớ dày miền non cao bung sắc đúng dịp lễ hội.
Sự kiện 2 di sản Nghệ thuật Khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu,Văn Chấn cùng lúc được đón nhận quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày 2023 nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông Yên Bái, khơi dậy lòng tự hào, ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cùng với Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Lễ hội cũng là một lần nữa lan tỏa quảng bá những hình ảnh văn hoá, con người, tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh Yên Bái nói chung, của từng địa phương sở hữu di sản nói riêng đến bạn bè trong nước và thế giới .
PHI LONG/VPTB