Yên Bái: Tìm giải pháp tiêu thụ cho sản phẩm chè Văn Chấn trong đại dịch

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn kinh tế do dịch bệnh Covid gây ra, tình hình sản xuất, chế biến chè của huyện Văn Chấn gặp phải không ít khó khăn. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, hiện giá xuất khẩu giảm sâu, chi phí vận tải tăng cao, lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài cũng rất hạn chế nên tình hình kinh doanh rất khó khăn. 

Người dân xã Suối Giàng thu hoạch chè cổ 
Người dân xã Suối Giàng thu hoạch chè cổ 

Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh Yên Bái với trên 4.490 ha, tập trung tại: thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, các xã Sơn Thịnh, Bình Thuận…, chủ yếu phục vụ sản xuất chè đen xuất khẩu; vùng chè Shan tại các xã Suối Giàng, Nậm Búng, Gia Hội phục vụ sản xuất chè xanh chất lượng cao.

Để nâng cao giá trị của cây chè, huyện tiếp tục vận động nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là trong chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi.

Những năm qua, ngành sản xuất và chế biến chè huyện Văn Chấn đã tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho hàng nghìn nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác sản xuất và chế biến chè trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, huyện Văn Chấn đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè đến rà soát, sắp xếp cơ sở chế biến, sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, xây dựng thương hiệu để ngành sản xuất, chế biến chè phát triển bền vững.

Để nâng cao giá trị cây chè, 5 năm qua, huyện đã trồng mới 282,29 ha chè Shan; trồng mới, trồng cải tạo 509,5 ha chè già cỗi, chè trung du bằng các giống chè tiến bộ kỹ thuật cho năng suất và chất lượng. Nhờ chuyển đổi cơ cấu giống chè, tập trung đầu tư, thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà năng suất chè tăng từ 90,98 tạ/ha năm 2016 lên 120 tạ/ha ở năm 2020. Sản lượng chè búp tươi tăng từ 45.038 tấn lên 46.000 tấn.

Đến nay, huyện hình thành các vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung; các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi được triển khai thực hiện; một số sản phẩm chè được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao như: chè Shan tuyết Suối Giàng, chè trắng Giằng Pằng; trong đó có 4 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn kinh tế do dịch bệnh Covid gây ra, tình hình sản xuất, chế biến chè của huyện Văn Chấn gặp phải không ít khó khăn. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, hiện giá xuất khẩu giảm sâu, chi phí vận tải tăng cao, lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài cũng rất hạn chế nên tình hình kinh doanh rất khó khăn. 

Theo các DN, thời điểm này đang vào vụ thu hoạch chính, sản phẩm chè đen công ty sản xuất ra hiện tiêu thụ rất chậm do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, giá bán ra cũng giảm từ 4 - 5 triệu/1 tấn.

"Từ đầu năm đến nay, DN còn tồn kho 200 tấn, mặc dù vậy công ty vẫn chủ động mua nguyên liệu cho nông dân với giá từ 3.300 - 3.500 đồng/1kg. Tuy nhiên, nếu tiếp tục không bán được hàng, DN và người nông dân chịu nhiều thiệt thòi", đại diện doanh nghiệp sản xuất chè ở Văn Chấn cho biết.

“Cước vận tải tăng có thể lên tới 150 - 160 triệu/container 40 feet nên chiếm khoảng 40 - 50% giá trị hàng hóa trong 1 container. Khách hàng cũng yêu cầu thương thảo nên DN phải giảm giá bán để hỗ trợ lại cước vận tải nhưng lại ảnh hưởng đến việc sản xuất, chế biến, kinh doanh chè”, chủ doanh nghiệp chè chia sẻ.

Khó khăn không chỉ ở huyện Văn Chấn, mà hiện nay, ở Yên Bái có hàng chục đơn vị sản xuất chè đen, sản lượng chè khô sau chế biến đạt khoảng 15.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu trực tiếp và ủy thác sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Tây Á, Trung Đông, Đông Âu và Liên bang Nga. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường xuất khẩu nên rất khó khăn trong tiêu thụ.

Ông Chử Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết, từ năm ngoái đến thời điểm này, việc xuất khẩu chè từ phía các đối tác ủy thác không thuận lợi, kéo theo đó việc sản xuất của doanh nghiệp cũng cầm chừng, hàng tồn kho nhiều.

Ngoài ra, phía khách hàng lại yêu cầu chỉ mua những sản phẩm cấp thấp nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao, giá phải giảm. Chính vì vậy, nếu có bán được thì mất chi phí vận chuyển cao, thậm chí chi phí này còn cao hơn cả giá trị hàng hóa; thêm vào đó còn phụ thuộc vào đơn vị trung gian trong xuất khẩu, rồi còn bị chậm thanh toán tiền... nên DN vì thế rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

“Giá vận tải tăng có chỗ tăng cao từ 4 - 8 lần so với những năm trước trong khi giá chè xuất khẩu lại hạ. Khách nước ngoài ra chỉ tiêu mặt hàng cấp thấp nhưng chất lượng cao, mặt hàng cấp cao gần như không mua nên sản xuất, chế biến bị đình đốn. Đó là chưa kể tình trạng DN bị chậm thanh toán, có những khách hàng nợ DN đến 8 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết.

Với những mặt hàng mang tính đặc thù như chè đen, hay các sản phẩm nông sản khác chỉ phục vụ xuất khẩu, ít có khả năng tiêu thụ nội địa, do đó vấn đề đặt ra lúc này là cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội như hiện nay.

Trước diễn biến nêu trên, cơ quan chức năng huyện Văn Chấn đã cùng với các  sở, ngành ở Yên Bái đang tăng cường phối hợp, kết nối với các đơn vị như Cục chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT); Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Yên Bái tìm kiếm đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có tham gia việc xúc tiến thương mại trực tuyến với thị trường Nhật Bản.

Đồng thời, Yên Bái cũng kiến nghị với Trung ương xem xét, ban hành các chính sách, gói hỗ trợ tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để các DN khắc phục khó khăn duy trì và ổn định sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa cho người dân.

Trong khi chờ tháo gỡ của các cơ quan liên quan, huyện Văn Chấn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, người dân tập trung chuyển đổi hình thức sản xuất, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm để thực hiện giải pháp phát triển lâu dài bằng cách tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc đối với các hộ trồng chè, gắn cây chè với phát triển kinh tế hộ; xây dựng khu vực chuyên canh cây chè ổn định theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ, chè an toàn; tiến hành trồng bổ sung, trồng thay thế 300 ha chè già cỗi, trồng mới 250 ha chè Shan ở các xã thượng huyện...

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tạ Thành

Từ khóa: