Theo đó, Vietcombank vẫn chứng tỏ là thương hiệu đẳng cấp nhất thị trường khi dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế với con số tuyệt đối hơn 11.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, VPBank - quán quân lợi nhuận quý I/2022 (vượt qua cả Vietcombank) nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoa hồng bảo hiểm - lại chứng kiến cú lao dốc thứ hạng khi chỉ đứng top 10, nguyên nhân là năm nay, ngân hàng không còn khoản thu nhập bất thường, trong khi đó chi phí vốn bị đẩy lên, trích lập dự phòng tăng 55% do nợ xấu tăng mạnh.
Vị trí á quân lợi nhuận ngân hàng năm nay thuộc về BIDV với 6.920 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế). Sau một thời gian dồn lực trích lập dự phòng, BIDV đang dần trở lại đường đua lợi nhuận, lấy lại vị thế của ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống (tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỷ đồng).
Trong khi đó, á quân lợi nhuận liên tiếp nhiều năm trước - Techcombank - bị lùi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng quý I. Mức độ tập trung lớn vào trái phiếu, bất động sản trong khi các thị trường này gặp khó khiến kết quả kinh doanh quý I/2023 của ngân hàng này đi lùi.
Bên cạnh đó, xét về tốc độ tăng trưởng, trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống thì BIDV là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất (lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 53%).
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất đến thời điểm này (vẫn còn vài ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính) là NCB, Saigonbank, PGBank, Kienlongbank, VietABank, BacABank, ABBank…
Đáng chú ý, trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thì VPBank và Techcombank là hai ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất, lần lượt tăng trưởng âm 77% và 17%. Ngoài ra, còn có NCB, LPBank, SeABank, VietABank.
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, tổng tài sản của các nhà băng hiện khoảng 12,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,14% so với đầu năm.
Trong đó, top 10 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất đang nắm giữ 10,17 triệu tỷ đồng, tương ứng với 79,5% tổng tài sản các ngân hàng được thống kê.
BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng với tổng tài sản hơn 5,77 triệu tỷ đồng, tăng 0.6% so với đầu năm và chiếm gần một nửa tổng tài sản của các nhà băng (44,89%%).
Trong đó, BIDV có quy mô tài sản lớn nhất với hơn 2,1 triệu tỷ đồng, giảm 0,65% so với năm trước. Cho vay khách hàng chiếm 74% tổng tài sản, đóng góp gần 75 nghìn tỷ vào việc mở rộng quy mô bảng cân đối kế toán. Ở chiều ngược lại, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước lại là 2 chỉ tiêu kéo tăng trưởng tổng tài sản của BIDV giảm nhiều nhất, mức giảm tổng cộng 84 nghìn tỷ so với đầu năm.
Vietcombank theo sau với khối tài sản hơn 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm. Ba động lực chính giúp tài sản Vietcombank giữ vững tăng trưởng đó là: 1) Cho vay khách hàng; 2) Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và 3) Tiền gửi tại NHNN. Theo đó, ba chỉ tiêu này tăng gần 96.824 tỷ đồng trong quý I/2023.
Xếp thứ 3 là VietinBank. Tính đến 31/03/2023, tổng tài sản của nhà băng này đạt hơn 1,82 triệu tỷ, tăng 0,86% so với đầu năm. Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng tài sản là khoản cho vay khách hàng (tăng hơn 58 nghìn tỷ) cùng chứng khoán đầu tư (tăng gần 20,2 nghìn tỷ).
Ở khối ngân hàng tư nhân, MB đứng đầu với khối tài sản trị giá hơn 761 nghìn tỷ, tăng trưởng 4,42% so với đầu năm. Quy mô bảng cân đối kế toán của MB được mở rộng chủ yếu nhờ cho vay khách hàng (đóng góp hơn 20,8 nghìn tỷ vào đà tăng trưởng) và chứng khoán đầu tư (tăng hơn 33,15 nghìn tỷ).
Techcombank theo sau với quy mô tài sản gần 724 nghìn tỷ, tăng 3,5% so với đầu năm. Cho vay khách hàng cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất (~64 % tổng tài sản) và là động lực chính thúc đẩy tài sản của nhà băng này tăng lên (đóng góp gần 45 nghìn tỷ vào tăng trưởng tài sản).
5 ngân hàng còn lại trong top 10 ngân hàng có tài sản lớn nhất là VPBank (tài sản hơn 678 nghìn tỷ); ACB (hơn 611 nghìn tỷ); Sacombank (597 nghìn tỷ), SHB (hơn 570 nghìn tỷ) và HDBank (gần 459 nghìn tỷ).
Tiến Hoàng