Nhiều thập kỷ bôn ba năm châu bốn bể, làm mọi nghề, truy rèn và học mọi lúc, mọi nơi, Người đã tìm thấy con đường đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc, dựng nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nhận thức được như vậy, ai cũng sẽ luôn tiến bộ, tránh được sai lầm trong cuộc sống, tiếp thu điều hay lẽ phải để là người tốt - người tử tế, có ích cho gia đình và cộng đồng.
Không phải ngẫu nhiên mà người đời luôn để tâm và nhắc nhớ đến môi trường sống, làm việc, môi trường xã hội, nơi mỗi người sinh ra, trưởng thành. Môi trường ấy tác động không nhỏ, thậm chí ảnh hưởng có tính chi phối quan trọng đến phẩm hạnh, nhân cách, đạo đức con người.
“Diễn biến, chuyển hóa” theo hướng tích cực hay tiêu cực bắt đầu từ những môi trường ấy. Lại sực nhớ lời dạy của người xưa: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng; ăn vóc học hay”.
Học để có tri thức, có phương pháp luận đúng trong xử lý mối quan hệ xã hội, xác định lẽ sống, tư tưởng, lý tưởng biết kềm chế dục vọng thấp hèn, suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Từ các vụ việc vi phạm kỷ luật đảng, chính quyền, nhận án tù… của không ít cán bộ, đảng viên cả trong và ngoài khu vực nhà nước, hẳn thấy, phải là người có địa vị xã hội, có quyền lực, sống và làm việc trong môi trường dư thừa vật chất; có cơ hội để làm việc bất chính: tham ô, tham, nhũng, lãng phí, hủ hóa…
Cương vị nắm giữ có quyền chỉ đạo, sai khiến, quyết định sinh mệnh chính trị và cuộc sống của người khác; có khả năng điều kiện móc nối xây dựng quan hệ xã hội, trên dưới, trong ngoài để tạo lực lượng phe cánh (nhóm lợi ích) làm những việc trái luân thường đạo lý, vi phạm pháp luật.
Những người xấu đó, vẫn có kẻ thoát tội vì che giấu tinh vi, lợi dụng kẽ hở luật pháp, lại có người “chống lưng”. Song, phần nhiều sẽ bị xã hội, pháp luật, nhân dân, công lý phanh phui, tố cáo, điều tra làm rõ chân tướng. Bàn tay không che được mặt trời! Nhiều người trong số đó thành đạt, có tri thức, kiến thức uyên thâm nữa chứ.
Họ hiểu biết pháp luật, dự cảm được điều rủi ro, thậm chí lao lý nhưng như con thiêu thân, họ vẫn lao vào thu lợi bất chính, vinh thân phì gia. Họ không chịu tiếp thu cái tốt, điều lành, việc thiện mà tha hóa và xa đọa.
Với tư duy biện chứng và thực tiễn, từ rất sớm, cùng với công cuộc đổi mới đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng chủ động, tích cực triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, tư tưởng, tác phong Hồ Chí Minh. Nhiều đợt sinh hoạt chính trị được toàn hệ thống chính trị và nhân dân tham gia sôi động tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi đối tượng xã hội.
Và giờ học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên mỗi ngày của nhiều người, tổ chức, cơ quan đơn vị. Đối tượng cần thấm sâu tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh là cán bộ, đảng viên, người đảm trách vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, bộ, ban, ngành.
Nhiều năm qua, Đảng luôn đề cao tư tưởng chủ đạo “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lui tiêu cực”. Theo đó, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội chung tay xây dựng người tốt, việc tốt, khơi dậy và biểu dương kịp thời nhân tố tích cực. Báo chí tìm cách sáng tạo tuyên truyền nhằm lan tỏa hương thơm của những bông hoa việc tử tế, người tử tế ra cộng đồng.
Người tốt, kẻ xấu đan xen trong xã hội, chừng nào người tử tế, việc tử tế áp đảo thì kẻ xấu mới sợ chính nghĩa, lẽ phải; cái tốt mới đẩy lui cái ác, kẻ gian mới sợ người lương thiện. Việc triển khai sâu rộng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trải qua hàng thập kỷ; học tập và vận dụng đúc kết thành mô hình điển hình; sáng tạo nội dung chuyên đề sâu phù hợp đối tượng, lứa tuổi, nghề nghiệp.
Đó cũng là biểu thị lòng biết ơn và kính hiếu vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Vận dụng sáng tạo, hợp lý di sản vô giá Bác Hồ để lại cũng là dân tộc ta hiện thực hóa di chúc của Người. Đã có những đánh giá kết quả của việc học và làm theo Bác. Cần tiếp tục nghiêm túc suy nghĩ rút kinh nghiệm về hiệu quả của việc học để làm, tránh học mà không làm (hình thức); lấy học để làm bình phong làm việc xấu (ngược lại). Bác để lại lời dặn cho mọi đối tượng, chỉ rõ cần phải làm việc gì, làm như thế nào mới đúng, mới hiệu quả: cán bộ lãnh đạo, người cao tuổi, trẻ em, thanh niên, bộ đội, công an, thày cô giáo, nhà báo, văn nghệ sĩ, ngành y, thầy thuốc…
Lời Bác khuyên, dạy thật dễ hiểu, dễ nhớ, nay cần cụ thể hóa để thống nhất nhận thức và hành động. Việc học tập phải toàn diện, học điều tốt, việc tốt ở mọi người nhưng Bác Hồ là hiện thân của phẩm chất cao quý, tốt đẹp, được hội tụ và kết tinh toàn diện, tiêu biểu, biểu tượng cao đẹp nhất: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế. Ôm trọn non sông mọi kiếp người”.
Khai thác toàn diện, chiều sâu con người Bác là vô cùng quan trọng để nêu tấm gương soi chung, nhưng chỉ dẫn mọi người vận dụng sáng tạo, phát triển trong thực tiễn cách mạng qua các thời kỳ mới mang lại giá trị, ý nghĩa quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc, đất nước. Còn không ít nội dung học và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh chưa làm được, làm chưa nghiêm túc, chưa kiên trì, chưa chủ động, chưa sáng tạo, còn hình thức. Không loại trừ hiện tượng: học mà không làm, thực hiện trái, ngược với nội dung học; che giấu khuyết điểm, bao biện dưới vỏ bọc của việc chạy theo số lượng các lớp học, buổi sinh hoạt chính trị…
Cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật còn những bất cập, tồn tại trong thời gian dài, vô hình chung để cái xấu, cái ác “ diễn biến, chuyển hóa” tồn tại, bám dễ sâu trong đời sống xã hội lấn át cái tốt, lương thiện.
Không ít vụ việc cho thấy chúng ta chỉ hô hào học cho có (hình thức) mà không làm, thậm chí làm trái lời Bác. Sự dối trá, lấy học làm bình phong che đậy động cơ, mục đích xấu là vỏ bọc vô cùng nguy hiểm để cái xấu, cái ác trú ẩn an toàn, thành ung nhọt. Triệt tiêu cái xấu, các ác, tiêu cực không phải chỉ bằng giáo dục, tuyên truyền học tập mà cần thể chế hóa cụ thể, chi tiết, tỉ mỉ để trở thành quy định pháp lý để xã hội cùng thực hiện. Thanh tra, giám sát đối chiếu, so sánh…thông qua thước đo pháp luật để căn chỉnh và xử lý. Có như thế mới hạn chế oan sai, bỏ sót kẻ xấu, vạch trần sự thật, lươn lẹo, bẻ cong chân lý, vô hiệu hóa cán cân công lý.
Học để làm người không dễ! Biết đấy, hiểu đấy mà nhiều người không thể, không dám, không muốn vượt qua chính mình trong cuộc sống hàng ngày? Câu hỏi ấy dành cho không chỉ riêng ai. Học và làm theo Bác một cách chủ động, tự giác,tự nguyện, biện chứng, sáng tạo không ngừng phải là phương châm sống của mỗi chúng ta. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” vì thế, người lớn nêu gương cho con trẻ, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị luôn là gương sáng, người tốt để cấp dưới noi theo là vậy!