2 nhóm hàng xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng 3 con số

Trong tháng 3/2024, có 2 nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp có kim ngạch tăng trưởng ba con số so với tháng trước.

Cụ thể, 2 nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp có kim ngạch tăng trưởng cao là hạt điều và hạt tiêu.

Theo đó, tháng 3 xuất khẩu hạt điều đạt 58.922 tấn, kim ngạch đạt 315,45 triệu USD, tăng 121,6% về lượng và tăng 122,3% về kim ngạch so với tháng 3/2024. Lũy kế hết tháng 3, xuất khẩu hạt điều đạt 150.683 tấn, kim ngạch đạt 808,85 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và tăng 24,6% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.

2 nhóm hàng xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng 3 con số - Ảnh 1

Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, đạt 39.142 tấn, trị giá hơn 208 triệu USD, tăng 35,3% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ 16.139 tấn hạt điều, tương đương 86,8 triệu USD, tăng 23,3% về lượng và tăng 51,8% về kim ngạch so với tháng 3/2024. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.315 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ.

Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 5.248 USD/tấn trong tháng 3, giảm 1,7% so với tháng 2 và giảm 11,6% so với tháng 3/2023. Tính chung quý I, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.329 USD/tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu chủng loại: 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt điều so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ hạt điều WS/WB, SP, DW.

Việt Nam hiện đang giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới gần 80% tổng sản lượng toàn cầu.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, nguyên nhân giá xuất khẩu hạt điều giảm gần đây là do sản lượng điều nguyên liệu tăng nhanh tại Campuchia và các quốc gia ở châu Phi. Trong khi đó, diện tích trồng điều tại Việt Nam lại đang bị thu hẹp do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

Các chuyên gia dự báo ngành điều sẽ có triển vọng tốt trong năm 2024, thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao; trong đó có hạt điều.

Trong khi đó, xuất khẩu tiêu đạt 25.917 tấn, kim ngạch đạt 111,58 triệu USD, tăng 92,7% về lượng nhưng tăng 104,8% về kim ngạch so với tháng trước.

2 nhóm hàng xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng 3 con số - Ảnh 2

Dù tăng mạnh trong tháng 3 nhưng tính chung 3 tháng đầu năm, kết quả xuất khẩu hạt tiêu vẫn giảm mạnh về lượng, trong khi kim ngạch chỉ tăng nhẹ. Lũy kế cả quý 1/2024, xuất khẩu hạt tiêu là 56.783 tấn, kim ngạch đạt 235,82 triệu USD, giảm 25,4% về lượng, tăng 1,1% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.966 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.552 USD/tấn, tăng lần lượt 562 USD đối với tiêu đen và 593 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm trước.

Châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất chiếm 37,7%, đạt 21.365 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 54,3%. Trong đó, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 3.793 tấn, tăng 19,6%. Xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 1.083 tấn, giảm đến 95,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 2.164 tấn, tăng mạnh 179,9%.

Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 chiếm 29,7%, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 15.185 tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu sang châu Âu chiếm 26,3%, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu sang Đức tăng mạnh nhất 113,8% đạt 3.701 tấn, xuất khẩu sang Hà Lan tăng 76,9% đạt 2.598 tấn.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, giá hạt tiêu tại các nước sản xuất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không đủ bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm từ Việt Nam. Hiện người tiêu dùng trên thế giới sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao. Trong đó, các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Đông... gia tăng nhu cầu nhập các sản phẩm đáp ứng tính bền vững về các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Ngoài 2 nhóm hàng trên, dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp có tăng trưởng cao trong tháng 3 và cả quý 1 như rau quả; gạo; cà phê; gỗ và sản phẩm gỗ; chè…