5 tháng đầu năm 2023 tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới giảm tới 34,2%

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12.867 tỷ đồng giảm 34,2 % so với cùng kỳ năm trước. Số hợp đồng khai thác mới chỉ đạt 860.740 hợp đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

5 tháng đầu năm 2023 tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới giảm tới 34,2%.  
5 tháng đầu năm 2023 tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới giảm tới 34,2%.  

Theo đó, Luỹ kế đến hết tháng 5, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 91.535 tỷ, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 28.741 tỷ đồng, tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ 2022 và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 62.794 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 62.794 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 55,6%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 15,9%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 15,9%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,9%.

Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,73%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,3%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,8%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,04%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,42%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0004%. 

Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.526.744 hợp đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,8%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (23,2%).

Với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tính đến hết tháng 5 năm 2023, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 28.741 tỷ đồng, tăng 4,3%. Trong đó, bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 8.993 tỷ đồng chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 31,3% và tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ.

Hiệp hội bảo hiểm cho biết, số lượng hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm 31/5 là hơn 13,5 triệu hợp đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được chiếm tỷ trọng cao nhất gồm bảo hiểm liên kết chung (51,8%), bảo hiểm hỗn hợp (23,2%).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12.867 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Prudential là 2.188 tỷ đồng, Manulife là 1.668 tỷ đồng, Dai-ichi Life là 1.660 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 1.630 tỷ đồng và AIA là 1.032 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mới đây Bộ Tài chính cũng đã có thông cáo báo chí về kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. 

Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. 

Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn,...

Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.  

Tiến Hoàng