Theo đó, Vốn chủ sở hữu của công ty tăng nhẹ từ 6.378 tỷ đồng đầu năm lên 6.572 tỷ đồng cuối tháng 6/2023. Như vậy, ROE của công ty đạt khoảng 3,22%. Trước đó, Home Credit báo lãi 1.189 tỷ đồng cho cả năm 2022 và ROE là 18,64%.
Tại thời điểm 30/6/2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty giảm xuống còn 277%, so với đầu năm là 404%. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức 0,17.
Các chỉ tiêu an toàn vốn của Home Credit đều tuân thủ quy định, như chỉ tiêu an toàn vốn 24,6% (pháp luật yêu cầu tối thiểu 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản 8,4% (tối thiểu 1%), tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày bằng VND 90,37% (tối thiểu 20%), tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 để ngày bằng USD 466,14% (tối thiểu 5%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 13,35% (tối đa 90%).
Home Credit hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008. Là công ty 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của PPF Group.
Công ty này xếp thứ hai về thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, sau FE Credit. Home Credit Việt Nam hiện nay đã xây dựng được mạng lưới 9.000 điểm giới thiệu dịch vụ và có khoảng 6.000 nhân viên và tệp khách hàng 15 triệu người, đa phần là người có thu nhập thấp và không có lịch sử tín dụng, hoặc ở dưới chuẩn ngân hàng. Kinh doanh với 3 sản phẩm chính: Cho vay trả góp xe gắn máy; Cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và Cho vay trả góp tiền mặt.
Về tình hình kinh doanh, Home Credit Việt Nam vừa công bố tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế 211 tỷ đồng, chỉ bằng 18% của mức 1.189 tỷ của cả 2022. Còn lợi nhuận năm 2021 của Home Credit ở mức gần 550 tỷ đồng.
Mới đây, hãng tin Reuters cho biết, Kasikornbank (KBank), ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan đang đàm phán để mua lại công tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thỏa thuận có giá trị lên tới 1 tỷ USD, với mục tiêu mở rộng hơn nữa hoạt động của KBank tại Việt Nam. Phía KBank đang thảo luận về thương vụ này và hiện tại chưa có quyết định cuối cùng.
Các chuyên gia nhận định, nếu giao dịch này thành công, đây có thể là thương vụ sáp nhập lớn thứ hai ngành tài chính Việt Nam, sau thương vụ FE Credit bán 15% vốn cho ngân hàng Nhật Bản với giá trị 1,5 tỷ USD.
Tiến Hoàng