75 năm hình thành và phát triển Ngành Lâm nghiệp Việt Nam

Buổi gặp mặt báo chí nhằm thông tin về chuỗi sự kiện Kỷ niệm ngành Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển (1945-2020) đã diễn ra thành công vào ngày 24/11, tại Hà Nội do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức.

Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69, thành lập Bộ Canh nông và cũng trong ngày này, Bộ Canh nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh nông, trong đó có quy định nhiệm vụ của Nha Lâm chính. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hình thành của ngành Lâm nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trên chặng đường 75 năm hình thành và phát triển (1945-2020), trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi về tổ chức, nhưng ngành Lâm nghiệp đang khẳng định vị thế là một ngành kinh tế góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng cho đất nước.

Cụ thể, về xã hội, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hiện, ngành Lâm nghiệp đang thu hút khoảng trên 20 triệu lao động. Đặc biệt, ngành đã thu hút được các nguồn lực xã hội thông qua dịch vụ môi trường rừng với trung bình 1.600 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2013-2019 để chi trả đến từng người dân.

Về kinh tế, ngành lâm nghiệp đã phát huy lợi thế, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản. Năm 2020, dự kiến giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD. Với ngành hàng này, Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới, là quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Sản phẩm lâm sản có mặt tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp cao và ổn định, giai đoạn 2016-2020 đạt gần 6%/năm, gấp 5,6 lần so với giai đoạn 1990-1998.

Ghi nhận những thành tích của ngành Lâm nghiệp, nhiều phần thưởng cao quý đã được Đảng, Nhà nước trao tặng cho các tập thể cá nhân đã có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực Lâm nghiệp như: Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều cá nhân được phong tặng anh hùng lao động, giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ…

Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, điểm nhấn trong chuỗi sự kiện 75 năm ngành lâm nghiệp hình thành và phát triển là trong buổi sáng ngày 1 tháng 12 sẽ diễn ra Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025” với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu thuộc các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ đến dự và phát biểu tại hội nghị.

Buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm ngành truyền thống của ngành Lâm nghiệp. Cũng trong chuỗi kỷ niệm sẽ diễn ra lễ gắn biển Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Nghệ An.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo ngành hàng gỗ và lâm sản sản xuất “sạch” về cả nghĩa chất lượng sản phẩm và đảm bảo quy định của pháp luật của Việt Nam, hài hòa với pháp luật và thông lệ của quốc tế. Từ đó, đưa ngành hàng này trở thành một trong những ngành hàng mũi nhọn của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngành lâm nghiệp vẫn kiên định 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Ngành quyết tâm bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có theo chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó là nâng cao năng suất và chất lượng của rừng trồng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành cũng tiếp tục tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đồng bộ theo chuỗi từ trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ để tăng trưởng bền vững. Mặt khác, ngành xác định không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không vì phát triển kinh tế trước mắt mà bỏ giá trị môi trường.

Thông tin thêm về ngành công nghiệp chế biến gỗ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, những năm qua ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển nhanh góp phần không nhỏ trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, gia tăng giá trị của sản phẩm có những đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Lâm nghiệp là ngành kinh tế đặc thù không chỉ phát triển kinh tế mà còn phải đảm bảo môi trường bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu nhất là qua các đợt thiên tai vừa rồi tại miền Trung. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước vẫn là đảm bảo cho người làm nghề rừng sống được bằng nghề rừng, từng bước có thu nhập cao hơn để có thể làm giàu từ nghề rừng.

Thúy Xanh (t/h)