Theo cập nhật mới nhất của Sacombank (STB) về kết quả kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản của Sacombank tiếp tục được mở rộng và giữ vững vị thế về quy mô, đạt hơn 635 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm. Chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ với tài sản có sinh lời tăng 9,4%, chiếm tỷ trọng 91% trong tổng tài sản; hiệu suất sinh lời cũng gia tăng đáng kể, ROA – ROE lần lượt đạt 1,21% và 18,13%, tăng 0,3% và 4,3% so với năm trước.
Ngoài ra, Sacombank cũng tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản có rủi ro, thường xuyên rà soát, đánh giá danh mục rủi ro trọng yếu, khẩu vị rủi ro và kiểm tra sức chịu đựng nhằm đánh giá một cách toàn diện khả năng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong các trường hợp căng thẳng nhất, từ đó có kế hoạch vốn và phân bổ vốn phù hợp.
Tính đến ngày 31/8/2023, vốn chủ sở hữu của Sacombank đạt hơn 43.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng từ lợi nhuận chưa phân phối. Trong đó, vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng, chiếm 43,7% vốn chủ sở hữu.
Tổng huy động của ngân hàng này tại thời điểm cuối tháng 8/2023 đạt gần 558.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm, trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 11%, chiếm 4,2% thị phần toàn ngành.
Tổng thu nhập thuần của Sacombank trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt gần 17.500 tỷ đồng, tăng 9,3%. Và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6.175 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với kế hoạch 9.500 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, Sacombank đã thực hiện được 65% kế hoạch năm.
Sacombank là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, 30 năm qua luôn kiên định với chiến lược phát triển trở thành Ngân hàng bán lẻ hiện đại và đa năng hàng đầu Việt Nam. Tính đến ngày 31/03/2021, Sacombank có tổng tài sản đạt hơn 492.500 tỷ đồng và vốn điều lệ 18.852 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động rộng khắp tại Việt Nam, Lào, Campuchia với gần 570 điểm giao dịch và gần 19.000 CBNV.
Với hơn 250 sản phẩm dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển ngân hàng số cùng với cam kết về mục tiêu chất lượng, đổi mới tư duy, sự chuyên nghiệp và uy tín; Sacombank tự tin mang đến nhiều trải nghiệm, giải pháp tài chính trọn gói, đa tiện ích, thiết thực với giá thành hợp lý để tối đa hóa giá trị gia tăng cho hơn 7 triệu khách hàng, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng.
Tại phiên họp bất thường sáng 15/9 vừa qua, ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Bamboo Airways cho biết, hiện Sacombank - chủ nợ lớn của Bamboo Airways - có chủ trương tham gia đầu tư vào hãng này và đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận.
Ngân hàng Sacombank hiện đang là tổ chức tín dụng tài trợ lớn nhất cho Bamboo Airways với dư nợ hiện là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức tín dụng của Ngân hàng Sacombank. Mặc dù đây là khoản vay có tài sản bảo đảm và Bamboo Airways vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn nhưng một số tổ chức tài chính, chứng khoán hiện vẫn đưa ra một số lưu ý về triển vọng hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways khi hãng hàng không này ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục.
Theo ông Tuệ, Sacombank đã có chủ trương đầu tư vào Bamboo Airways. Tuy nhiên, là một tổ chức tín dụng nên việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, đang phải xúc tiến các thủ tục, xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.
2023 là năm thứ 7 Sacombank thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được phê duyệt. Ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng khi xử lý thành công 21.576 tỷ đồng lãi dự thu vào năm ngoái.
Trên đà tăng trưởng, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ xấu với số thu gần 2.700 tỷ đồng, nâng tổng số thu hồi xử lý lũy kế kể từ khi triển khai Đề án lên mức 90.600 tỷ đồng.
Tính đến 31/08/2023, Sacombank đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định đối với tất cả các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng bao gồm trái phiếu VAMC; lũy kế từ khi triển khai Đề án trích lập và phân bổ gần 35.600 tỷ đồng.
Tiến Hoàng