Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng cho biết, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức thông qua kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học tại các trường đại học, cao đẳng, học viện chuyên ngành trên địa bàn TP Hà Nội. Qua đó nhằm cung cấp, bổ sung các luận cứ khoa học trên nhiều lĩnh vực trọng yếu của Thủ đô, góp phần cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Đồng thời, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức nhằm tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng, đề xuất các chính sách trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Với mục tiêu đặt ra là các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo sẽ diễn ra từ 8 giờ sáng ngày 1/8/2023 tại Trường Đại học Luật Hà Nội do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của 350 đại biểu đến từ Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Hội đồng Lý luận Trung ương… thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Về phía thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các ban Đảng của Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân, Văn phòng Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ngành, quận, huyện, Thị ủy tham dự Hội thảo. Đặc biệt, Hội thảo sẽ thu hút sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Thủ đô.
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn như: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô, Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Quản lý sử dụng đất đai; Đào tạo giáo dục Thủ đô và Phát triển văn hóa; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mong muốn, các cơ quan báo chí tuyên truyền về sức lan tỏa, tác động của Luật Thủ đô (sửa đổi) tới mọi mặt đời sống nhân dân. Đồng thời, khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đột phá cho việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Được biết, hội thảo này được các chuyên gia đặc biệt quan tâm và sẽ có nhiều tham luận góp ý. Với nhóm nội dung về công tác đào tạo giáo dục Thủ đô, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút hút trọng dụng nhân tài hiện đã có 6 tham luận rất chất lượng được các chuyên gia, nhà khoa học gửi tới Ban Tổ chức.
PV