9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 5.632 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu thuần ghi nhận đạt 2.259 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của Habeco ghi nhận cải thiện đáng kể, tăng tới 75% lên 58 tỷ đồng, cùng với đó là lãi liên doanh liên kết tăng vọt 80% khi đạt 6,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính của doanh nghiệp này giảm tới 60%, xuống còn 944 triệu đồng.

Sau khi trừ thuế và các chi phí, Habeco ghi nhận mức lãi sau thuế vỏn vẹn 106,7 đồng, giảm mạnh tới 54,7% so cùng kỳ năm 2022.

9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 5.632 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ  
9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 5.632 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ  

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, BHN ghi nhận doanh thu thuần 5,511 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 291 tỷ đồng, giảm tương ứng 7% và 39% so với cùng kỳ; thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt 31% mục tiêu lợi nhuận năm. Lãi ròng đạt 278 tỷ đồng, giảm 36%.

Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận quý 3/2023 giảm chủ yếu do ảnh hưởng của các yếu tố thị trường như biến động tăng giá nguyên vật liệu đầu vào lớn. Cùng với "đối thủ" CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB), Habeco và Sabeco là 2 nhà sản xuất bia nội địa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Gần đây, Sabeco đã công bố BCTC quý 3/2023 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu so sánh vẫn bỏ xa Habeco trên cuộc đua về lợi nhuận.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2023, sản lượng bia sản xuất cả nước chỉ đạt 1.198,3 triệu lít, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng năm 2023 đạt 3.411 triệu lít, tăng 0,02%, ghi nhận mức tăng trưởng thấp chỉ sau giai đoạn chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Tại Habeco, sản lượng sản xuất sau 9 tháng đạt 379,5 triệu lít, giảm 2,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sức cầu yếu cũng khiến áp lực cạnh tranh trong ngành gay gắt hơn, các đối thủ cạnh tranh lớn liên tục tung ra các chương trình giảm giá bán, khuyến mãi để giải phóng tồn kho và Habeco cũng không thể đứng ngoài xu hướng đó. Dù doanh thu sụt giảm, chi phí bán hàng của Tổng công ty trong quý III/2023 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu lên đến 17,1%, cao nhất nhiều quý gần đây.

Tính đến 30/09/2023, quy mô tổng tài sản hợp nhất của Habeco đạt 7.559,8 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn lên đến 3.974,8 tỷ đồng, tăng 490,8 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 52,5% cơ cấu tài sản của Tổng Công ty.

Ở cơ cấu nguồn vốn, Tổng nghĩa vụ nợ phải trả đến 30/09/2023 chỉ 1.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25%. Trong đó, số dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn rất thấp với 27 tỷ đồng, giảm 72% so với đầu năm. Tổng công ty tiếp tục không có các khoản vay dài hạn.

Cấu trúc tài chính lành mạnh, nhiều tiền, ít nợ vay tiếp tục là điểm tựa của Habeco để vượt qua bối cảnh còn có nhiều khó khăn của môi trường kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của Tổng công ty với đóng góp chủ yếu từ lãi tiền gửi lên đến 156,8 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 42,9% vào tổng số lợi nhuận trước thuế hợp nhất thu về.

9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 5.632 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ - Ảnh 1

Tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội là Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, là khởi đầu cho một dòng chảy nhỏ bé cùng song hành với những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội. Ngày 15/8/1958, trong không khí cả nước sôi sục chào mừng kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bốn năm Thủ đô hoàn toàn giải phóng; chai bia Việt Nam đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời trong niềm vui xúc động lớn lao của cán bộ công nhân viên Nhà máy.

Một sản phẩm khẳng định quyền làm chủ của người lao động, phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội trong giai đoạn khôi phục và phát triển. Từ cột mốc này, Nhà máy bước vào thời kỳ mới – thời kỳ khẳng định thương hiệu của ngành Công nghiệp nước ta nói chung và ngành Đồ uống nói riêng, là niềm tự hào của Hà Nội và cả nước. Từ đó trở đi, ngày 15/8 hàng năm được chọn là Ngày truyền thống của Bia Hà Nội.

Ngày 6/5/2003, Bộ trường Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (viết tắt là HABECO). Từ ngày 16/6/2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức từ một Tổng Công ty Nhà nước  sang Tổng Công ty Cổ phần. Đây là bước ngoặt quan trọng để Bia Hà Nội khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập.

Trải qua gần 130 năm lịch sử với hơn nửa thế kỷ khôi phục và phát triển, đến nay, Habeco đã trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành Đồ uống Việt Nam.

Những dòng sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu Habeco như Bia hơi Hà Nội, Bia lon Hà Nội, Bia Trúc Bạch, Hanoi Beer Premium… đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng về cả chất lượng và phong cách, chinh phục những người sành bia trong và ngoài nước.

Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng. Với mục tiêu đề ra khá khiêm tốn, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành gần 75% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tiến Hoàng