ACB thông báo 11/6 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Trước đó, ngân hàng đã được chấp thuận cho ACB tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới.
Trong quý 1/2021, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.
Thu nhập lãi thuần 3 tháng đầu năm của ACB đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 69% đạt 625 tỷ, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 37% đạt 196 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gần 8 lần đạt 113 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư chỉ đạt 49 tỷ, giảm 86% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác giảm 39% xuống 49 tỷ.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong quý 1/2021 đạt 5.675 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động của ACB giảm khá mạnh (giảm 16,7%) xuống 1.965 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí cho nhân viên. Chi phí dự phòng rủi ro lại tăng đột biến, cao gấp 6,5 lần cùng kỳ, ở mức 606 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của ACB đạt 449.515 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% đạt 324.311 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 0,3% xuống 352.217 tỷ đồng.
Nợ xấu của ngân hàng ở mức 2.954 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cuối năm 2020. Trong đó, nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ tăng mạnh 94% lên 799 tỷ đồng, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng 53% lên 1.858 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% hồi đầu năm lên 0,92% vào cuối tháng 3/2021.
Lan Anh