Lượng hành khách hàng không tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 5/2022
Trong báo cáo mới được cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV). VDSC cho biết, do tất cả các biện pháp thắt chặt du lịch nhìn chung đã được dỡ bỏ, lượng hành khách hàng không đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Sản lượng trong nước nhanh chóng phục hồi kể từ tháng 1 do nhu cầu cao vào dịp lễ Tết và nới lỏng du lịch nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng cao. Quá trình phục hồi tiếp tục duy trì đà tăng tới tháng 4 và tháng 5 khi ngành này bước vào mùa bay hè, cũng là mùa cao điểm của thị trường nội địa. Được hỗ trợ từ các dịp nghỉ dài ngày trong năm nay, lượng khách trong nước đã đạt đỉnh với 8,5 triệu khách vào tháng 5/2022, theo dữ liệu của ACV, tiến gần tới mức kỷ lục là 8,7 triệu được ghi nhận vào tháng 7/2020.
Cũng theo VDSC, khối lượng khách quốc tế cũng tăng dần kể từ khi các hạn chế du lịch quốc tế được gỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 15/3. Theo đó, các biện pháp hạn chế cấp thị thực đã được xóa bỏ kể từ ngày 15/3. Việc cấp thị thực, sau đó, được thực hiện như trước khi đại dịch bùng phát (bao gồm cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia cùng miễn thị thực song phương cho nhiều quốc gia khác).
Về các quy định y tế, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam cũng được miễn các yêu cầu cách ly và xét nghiệm PCR trước khi khởi hành từ ngày 15/5/2022. Nhờ sự nới lỏng này, lượng khách quốc tế đến với Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 cao hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 228 nghìn lượt, trong khi lượng khách quốc tế tăng vọt 7,5 lần lên 1,5 triệu khách cùng thời điểm. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã vươn lên vị trí thứ 22 trong Bảng xếp hạng khả năng phục hồi của Bloomberg vào tháng 5.
Báo cáo của VDSC cũng chỉ ra kết quả kinh doanh quý 1/2022 của ACV với thu nhập cốt lõi chuyển biến tích cực nhờ lượng khách hàng không tăng trong khi việc đồng JPY mất giá tiếp tục củng cố thêm thu nhập tài chính.
Theo đó, trong quý 1/2022 doanh thu và LNTT, đều bao gồm nguồn thu hạ cánh/cất cánh kể từ khi ACV được giao quản lý tài sản sân bay vào tháng 12/2020, lần lượt đạt 2.109 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và 1.088 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ).
Sự phục hồi về sản lượng khai thác hàng không, như đã đề cập ở trên, và tỷ trọng cao hơn của sản lượng hành khách và các chuyến bay quốc tế, đã thúc đẩy doanh thu hàng không tăng 11% YoY lên 1.285 tỷ đồng. Điều này, cùng với việc quản lý chi phí chặt chẽ hơn và chi phí khấu hao giảm (giá vốn hàng bán giảm 6% YoY), đã nới rộng biên lợi nhuận gộp tăng 12,5 bps YoY, nhanh chóng thúc đẩy thu nhập hoạt động cốt lõi (EBIT) có lãi sau ba quý thua lỗ liên tiếp (từ quý 2/2021 đến quý 4/2021) do các biện pháp giãn cách xã hội.
VDSC cho biết: ACV tiếp tục được hưởng lợi từ việc đồng JPY mất giá trong Q1/2022. Với gần 68 tỷ JPY nợ vay dài hạn tính đến cuối Q1/2022, việc tỷ giá JPY/VND tiếp tục giảm hơn 5% trong quý đã mang lại 271 tỷ đồng lãi ngoại tệ. Trong khi đó, thu nhập lãi giảm nhẹ 18% YoY đạt 392 tỷ đồng do số dư tiền gửi tiết kiệm cùng với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ngắn giảm. ACV đã phải giảm hơn 2.000 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn nhiều khả năng để hoàn trả phần lợi nhuận từ tài sản khu bay cho Nhà nước và tài trợ vốn lưu động do các khoản phải thu quá hạn từ các hãng hàng không trong nước tiếp tục tăng trong quý 1/2022.
“Đáng chú ý là ACV đã ghi nhận lượng lớn dự phòng cho các khoản nợ khó đòi này kể từ quý 2/2021 với trích lập lũy kế là 569 tỷ đồng đến hết quý 1/2022. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường hàng không trong nước trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho khả năng hoàn nhập các khoản dự phòng này”, VDSc cho biết thêm.