Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, hiện nay, chỉ 13 trong số 21 doanh nghiệp sản xuất bia có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. Doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2020 của 13 doanh nghiệp sản xuất bia đều đồng loạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong đo, tổng sản lượng tiêu thụ bia trong 4 tháng đầu năm nay đạt 1,12 tỷ lít, giảm 24% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ bia của Habeco giảm mạnh nhất - đến 56%.
Nhà đầu tư tập trung chủ yếu vào 2 doanh nghiệp Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) khi lần lượt giữ vị trí số một và số hai về sản lượng tiêu thụ của ngành bia Việt Nam. Ngoài ra, đây là 2 đơn vị sở hữu các doanh nghiệp sản xuất bia còn lại đang có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Trong quý 1, doanh thu của Sabeco đạt 4.909 tỷ đồng, giảm 4.428 tỷ đồng, tương đương 47,4% so với cùng năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (LNST) đạt 700 tỷ đồng, giảm 42,6%.
Habeco có quý đầu tiên báo lỗ mặc dù mức giảm doanh thu tương tự như Sabeco. Trong quý 1, Habeco đạt 774 tỷ đồng doanh thu, giảm 760 tỷ đồng tương đương 49,6% so với cùng kỳ. LNST lỗ 72 tỷ đồng, giảm 170 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Doanh thu giảm mạnh nhất thuộc về CTCP Bia Sài Gòn - Phú Thọ khi giảm 82,6%. Trong quý 1, công ty này chỉ đạt 27 tỷ đồng doanh thu, giảm 127 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bia Sài Gòn - Hà Nội và Habeco - Hải Phòng đều có doanh thu giảm hơn 60%.
Bên cạnh 100% doanh nghiệp sản xuất bia đều báo LNST giảm so với cùng kỳ thì có 8 trong số 13 doanh nghiệp báo lỗ. Đó là Habeco, Bia Hà Nội - Thanh Hóa, Bia Sài Gòn - Phú Thọ, Bia Sài Gòn - Hà Nội, Habeco - Hải Phòng, Bia Hà Nội - Hải Dương, Bia Sài Gòn - Sông Lam, Bia Sài Gòn - Bạc Liêu.
Theo ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT Sabeco, Nghị định 100 đặt ra các quy định chặt chẽ hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như áp dụng các hình thức phạt nặng hơn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của bia rượu với bất kỳ nồng độ cồn nào trong máu hoặc hơi thở. Do đó, kênh tiêu thụ bia tại các hàng quán đã bị sụt giảm nặng nề.
Trong khi đó, ngành bia cũng phải đối mặt với đại dịch cúm Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch với việc hạn chế đi lại, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cùng hoạt động kinh doanh và gây trì trệ các hoạt động kinh tế xã hội, bao gồm các biên pháp ngăn chặn sự lây lan như đóng cửa các quán bia, quán rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm ở cả nước. Điều này cũng hạn chế đáng kể mức tiêu thụ rượu bia.
Sau thời gian giãn cách xã hội trong tháng 4, kênh on-trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, khách sạn, quán bia...) chiếm đến 70% tổng tiêu thụ được phép mở cửa trở lại nhưng nhiều nơi vẫn đóng cửa im ỉm, bụi giăng đầy và chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại. Bởi vì, người dân đã trải qua những ngày tháng bị giảm lương, thậm chí mất việc làm do đại dịch Covid-19 nên họ không còn vung tay cho những sản phẩm không thiết yếu như bia, rượu, đặc biệt tại kênh on-trade có chi phí đắt đỏ và dễ lây lan dịch bệnh. Điều này khiến doanh thu của nhà hàng, quán ăn sụt giảm trong khi chi phí mặt bằng liên tục tăng cao buộc họ phải đóng cửa bảo toàn vốn.
Huy Đức