Ba miền, ba phong cách - Một hồn trà Việt

Trà - tưởng chừng chỉ là một thức uống đơn sơ nhưng thực ra lại là sợi dây tinh tế kết nối con người với thiên nhiên, nối liền các thế hệ, và gắn kết những vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa. Ở Việt Nam, dù cùng nhau nâng niu vị trà, nhưng người Bắc, người Trung, người Nam lại có cách pha, cách thưởng rất riêng. Mỗi miền, một phong cách, là một lát cắt văn hóa độc đáo, làm nên bức tranh toàn vẹn của hồn trà Việt.

Miền Bắc: Cầu kỳ, thanh tịnh

Ba miền, ba phong cách - Một hồn trà Việt - Ảnh 1

 

Miền Bắc, nơi có khí hậu se lạnh và nếp sống trầm tĩnh là cái nôi của nghệ thuật thưởng trà tinh tế. Người Bắc pha trà theo trình tự nghiêm cẩn: tráng ấm, đánh thức trà, canh nhiệt nước, đo thời gian ngâm. Mỗi bước là một nghi lễ, thể hiện sự tôn kính với trà, với khách, và với chính mình.

Trà nóng là lựa chọn gần như tuyệt đối. Từ việc chọn trà ngon, bộ ấm chén phù hợp, đến nguồn nước, lý tưởng nhất là nước mưa hứng sạch hoặc giếng khoan đá ong, tất cả đều được chăm chút để có được vị trà thanh thuần, sâu lắng. Chính vì sự cầu kỳ ấy, Hà Nội trở thành nơi gìn giữ một trong những tinh hoa trà Việt: trà sen Tây Hồ.

Trà sen, dùng trà Thái Nguyên ướp với gạo sen Bách Diệp là một nghệ thuật công phu đến độ phải thức trắng nhiều đêm, thay gạo sen từng lượt, sấy từng mẻ, giữ từng hương. Khi pha, chỉ cần chút trà, nước sôi già, là cả gian phòng thơm ngan ngát, như thể đang lạc vào một câu chuyện cổ tích. Thưởng trà miền Bắc thường chậm rãi, ít lời. Mỗi chén trà không chỉ để uống, mà là để chiêm nghiệm.

Miền Trung: Mộc mạc, sâu lắng

 

Thiên nhiên khắc nghiệt: nắng gắt, gió Lào, đất cằn đã hun đúc nên một phong cách sống chắt chiu, giản dị của người miền Trung. Thói quen uống trà cũng mộc mạc y như thế.

Người miền Trung ưa trà xanh nguyên chất, không ướp hương, vị chát rõ, hậu ngọt sâu. Trà pha đậm, đôi khi rất đặc như chính giọng nói trầm khàn, sâu sắc của vùng đất này. Một số nơi, người ta dùng cả trà tươi chỉ cần rửa sạch, đun lên, ủ trong chiếc ấm lớn, uống từ sáng đến tối.

Không lễ nghi, không trình tự kiểu cách một ấm trà đậm được rót giữa buổi trưa oi nồng, dưới mái hiên quê nhà, cũng đủ để lòng người lắng lại, ngẫm suy.

Ba miền, ba phong cách - Một hồn trà Việt - Ảnh 2

Miền Nam: Phóng khoáng, nhẹ nhàng

 

Trái ngược với miền Bắc nghi lễ, miền Trung chắt chiu, phong cách trà miền Nam mang tinh thần phóng khoáng, dễ gần. Trà không bị đóng khung bởi nguyên tắc mà luôn có không gian cho sự sáng tạo.

Người miền Nam chuộng những loại trà nhẹ nhàng, thanh mát: trà lài, trà sen, trà thảo mộc. Cách pha đơn giản, có khi thêm đá, thêm tắc, thêm chút gừng mật ong thành trà đá, trà tắc, trà gừng, những thức uống phổ biến khắp từng con hẻm, quán cóc Sài Gòn.

Chén trà ở miền Nam không cần “thưởng” theo nghi thức. Nó được rót ra trong lúc trò chuyện, giữa một cuộc gặp gỡ tình cờ, như một lời mời thân thiện. Trà nơi đây vì thế không chỉ để uống, mà còn để sẻ chia với bạn, với đời.

Khác biệt về cách pha, cách uống, nhưng điểm chung trong văn hóa trà Việt là sự hướng về thanh tịnh, giản dị, và sự kết nối giữa người với người. Mỗi miền là một cách nhìn đời, một cách gìn giữ bản sắc.

Và mỗi chén trà, nếu ta uống chậm rãi, lặng lẽ, đều có thể đưa ta đi qua những miền đất khác nhau, những tâm hồn khác nhau mà vẫn thấy thân thuộc. Vì trong mỗi chén trà ấy, đều có một phần hồn Việt đang lặng thầm lan tỏa.