Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, sau những quý sụt giảm, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 4 đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, mức tăng trưởng lợi nhuận cũng cao hơn nếu so sánh với các quý khác trong năm. Riêng quý 4/2023, lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết là gần 48.000 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế toàn ngành đạt hơn 198.446 tỷ đồng. Trước đó, thị trường không mấy lạc quan về bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2023 do những áp lực lớn từ nợ xấu.
Một điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý 4/2023 của ngành ngân hàng là sự tăng trưởng ấn tượng từ dịch vụ, khi mảng này tăng trưởng 24,75% so với quý trước đó. Lãi hoạt động đầu tư trái phiếu tăng mạnh so với cùng kỳ khi nhiều ngân hàng đón đầu xu hướng giảm lãi suất, đã đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận chung.
Tuy nhiên, mức độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận chênh lệch giữa các nhóm. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đều hoàn thành mức lợi nhuận theo kế hoạch. Trong đó, Vietinbank và BIDV đạt mức lợi nhuận cao hơn khoảng 20% so với mục tiêu. Các ngân hàng trong nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp, tổ chức hầu hết hoàn thành trên 90% mục tiêu lợi nhuận.
Theo đánh giá của đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện nay hạn mức tăng trưởng tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay cá nhân.
Ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng và VNBA cũng đặt mối quan tâm đến tín dụng tiêu dùng khi đang xuất hiện các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, người vay chây ì trả nợ... Do đó, các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay.
Kết quả kinh doanh thực tế của nhóm các ngân hàng niêm yết cho thấy đây là nhóm có tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong quý IV/2023. Cụ thể, tăng trưởng doanh thu của nhóm ngân hàng tăng 9,6%, tăng trưởng lợi nhuận đạt tới 25,7% trong quý IV và điều này đã đóng góp đáng kể đưa kết quả kinh doanh chung của các ngân hàng trong cả năm 2023. Tăng trưởng doanh thu lũy kế của nhóm các ngân hàng trong năm 2023 đạt 4,1%, tăng trưởng lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 3,6%.
So hiệu quả của ngân hàng trong quý IV và cả năm cho thấy, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận riêng quý IV đều vượt trội so với tốc độ bình quân cả năm. Theo đó, bước tăng tốc cán đích của các ngân hàng trong thời điểm cuối năm 2023 có thể là một yếu tố quan trọng làm thay đổi cục diện về bức tranh kinh doanh nhóm ngành này. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây bất ngờ giảm mạnh lại đang nảy sinh nỗi lo mới về kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I và nửa đầu năm 2024.
Theo báo cáo tài chính ở một số nhà băng đã công bố cho thấy nợ nhóm 3, 4 giảm nhưng nhóm 5 lại tăng mạnh. Đáng chú ý, một số ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp cũng ghi nhận nợ xấu tăng đều cả 3 nhóm.
Chẳng hạn, tại Saigonbank, tổng nợ xấu của ngân hàng này tính đến ngày 31/12/2023 là 404 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm 2023. Song nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 57% tổng số nợ xấu, với 232 tỷ đồng.
Tại BacABank, chất lượng nợ cho vay cũng kém hơn. Tổng nợ xấu đến cuối năm 2023 của nhà băng này đạt gần 916 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2022. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 4 lần đầu năm 2023. Điều này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,55% đầu năm lên 0,92%.
Tại MSB, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 là 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại MSB tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,87% cuối năm 2023.
Còn tại PGBank, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 của là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3 lần, nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn sụt giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.
Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng bất ngờ quay đầu âm 0,6% trong tháng 1/2024. Bức tranh này đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện về diễn biến cho vay của ngành Ngân hàng sau khi bùng nổ mạnh mẽ trong tháng 12/2023. Với tình hình tăng trưởng âm của tín dụng đầu năm 2024, thực trạng cho vay của ngành Ngân hàng thậm chí còn đang chậm hơn cả giai đoạn đầu năm 2023, khi đó tín dụng tuy tăng trưởng chậm, nhưng vẫn là con số dương.
Tại một số ngân hàng cụ thể, Vietcombank cho biết, đến hết tháng 1/2024, dư nợ cho vay của ngân hàng này giảm 2,3%, tương ứng khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó tại BIDV, dư nợ tín dụng tháng 1 giảm 1,25% so với cuối năm trước, tương đương giảm 25.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, diễn biến trong 1 tháng đầu năm cũng chưa phản ánh được đầy đủ bức tranh chung của thị trường tiền tệ bởi theo lý giải của một số lãnh đạo các ngân hàng, đây là hiện tượng bình thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động bởi đây là mùa nghỉ lễ.
Tiến Hoàng (Tổng hợp)