Theo Kế hoạch Phát triển chế biến sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được UBND tỉnh ban hành cuối năm 2020, Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, tổng diện tích trồng chè đạt 2.500 ha.
Trong đó, diện tích chè trung du 1.500 ha, sản lượng đạt 9.500 tấn; diện tích chè Shan tuyết 1.000 ha, sản lượng đạt 2.500 tấn chè búp tươi; diện tích trồng mới (chè Shan tuyết) là 453 ha; hằng năm, cải tạo, thâm canh tăng năng suất toàn bộ diện tích chè nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch 12.000 tấn; diện tích đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là 2.500 ha và có nhãn mác, bao bì sản phẩm; diện tích được chứng nhận VietGAP là 750 ha và truy xuất được nguồn gốc.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn xác định phải xây dựng được vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Cụ thể, đối với sản phẩm chè, thực hiện các giải pháp như áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, sản xuất bền vững, sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, VietGAP...; tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, bảo vệ môi trường; phát triển các cơ sở chế biến, củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chè.
Để đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay, ngành chức năng và các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh liên quan đến về phát triển các sản phẩm chè và dong riềng. Triển khai các giải pháp để phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, xây dựng và quản lý thương hiệu chè, miến dong Bắc Kạn. Cùng với đó là tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại và thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có để hỗ trợ cho người sản xuất tham gia đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm chè, dong riềng.../.
Sơn Thủy