Từng là một trong các huyện nghèo trên cả nước theo Chương trình 30a của Chính phủ, với gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Bắc Yên đã huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng; tăng cường hướng dẫn, áp dụng tiến bộ khoa hoc kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Trong đó, có cây chè Tà Xùa.
Ở độ cao gần 1.800m so với mực nước biển, Tà Xùa là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Bắc Yên, là nơi cư trú của 100% dân số là đồng bào dân tộc H’Mông. Nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 18 đến 20oC vào mùa hè, mùa đông thường có mây mù bao phủ, rất thích hợp với cây chè Shan Tuyết. Thế nhưng, ngay cả những cụ già cao niên nhất nơi đây cũng không biết rõ về nguồn gốc những cây chè shan tuyết cổ thụ này, chỉ biết rằng, từ đời ông cha đến nay, cây chè đã có mặt ở bản làng và cùng gắn bó với đời sống của bà con đồng bào dân tộc H’Mông trên vùng cao Tà Xùa.
Trước đây, cây chè chủ yếu phát triển tự nhiên, năng suất, chất lượng không cao. Bà con thường hái búp chè tươi về sao bằng tay để uống và tặng cho khách quý. Khoảng 5 năm trở lại đây, thấy được giá trị và tiềm năng phát triển của cây chè, huyện Bắc Yên đã giao UBND xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện triển khai tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm chè Tà Xùa.
Thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kết hợp cùng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã đã triển khai dự án Cải tạo và phát triển mô hình cây chè shan tuyết xã Tà Xùa, tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân cải tạo, phục tráng và phát triển cây chè shan tuyết; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống chè Shan tuyết chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng tầm giá trị cây chè bản địa. Nhờ đó, sản phẩm chè Shan Tuyết xã Tà Xùa ngày càng được nhiều người biết đến.
Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa thông tin: Chè Tà Xùa có búp to, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn, màu trắng như tuyết nên được người dân gọi là chè shan tuyết. Qua thống kê, Tà Xùa hiện có khoảng 300 ha chè shan tuyết; trong đó, khoảng 40 ha cây chè shan tuyết cổ thụ với gần 3.000 cây tập trung ở bản Bẹ có độ tuổi từ 100 năm đến 300 năm. Còn lại hơn 250 ha chè dưới 100 năm tuổi trồng ở các bản Tà Xùa và Chung Chinh. Toàn xã có hơn 550 hộ dân thì hơn một nửa số hộ tham gia trồng chè.
Năm 2019, 200 cây chè cổ thụ từ hơn 100 đến gần 300 năm tuổi ở Tà Xùa đã được Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận quần thể cây di sản. Cũng thời điểm này, Cục sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu Tập thể đối với chè Tà Xùa và công bố cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu Chè Tà Xùa đối với Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc – đơn vị sáng lập và phát triển thương hiệu Trà Shan nam (Trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam).
Cây chè đã thực sự trở thành một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Nghề trồng chè, thu hái, sao chè đã tạo nguồn thu nhập ổn định hơn so với việc trồng cây ngô, lúa nương trên những diện tích đất dốc. Cây chè được bà con gìn giữ, chăm sóc theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Góp phần tạo hương vị đặc trưng thơm ngon, riêng biệt cho sản phẩm chè Tà Xùa. Bên cạnh những kỹ thuật sản xuất mới, nhiều gia đình đồng bào dân tộc H’Mông vẫn gìn giữ cách sao chè truyền thống bằng tay để vừa bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc.
Gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, huyện Bắc Yên đã kêu gọi, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè tại địa phương. Trong đó, Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đã liên kết với HTX Nông nghiệp và Chè Tà Xùa đăng ký và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha làm nguyên liệu cung cấp thường xuyên cho xưởng chế biến, hướng tới sản phẩm chè sạch theo hướng hữu cơ. Để đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách thưởng trà, Công ty đã phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau như: Trà xanh Mây, Trà xanh Thiện và Bạch trà mây. Năm 2023, Sản phẩm trà xanh Thiện đã được Hội đồng cấp tỉnh tiếp tục công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Anh Mùa A Vừ, Quản lý sản xuất, Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc chia sẻ: Trước đây dân chúng tôi chưa có trà đặc sản này, chè được bán với giá khá rẻ, chỉ tầm 20.000/kg. Nâng chất lượng cây chè tham gia OCOP, giá trà cũng đã cao lên khoảng 60.000-70.000/kg. Không chỉ thế, công ty luôn đồng hành hướng dẫn nhân dân cách phát cỏ, làm sạch cỏ dưới gốc chè, không phun thuốc, giữ hương vị và độ sạch của chè.
Trong hành trình nâng tầm thương hiệu chè Tà Xùa, hiện nay, huyện Bắc Yên đang tập trung triển khai Đề án Phục tráng vùng chè Shan tuyết Tà Xùa, với mục tiêu chủ yếu là quy hoạch cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có, phát triển thêm diện tích mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa chè đặc sản Tà Xùa. Mặt khác, đưa thiết bị máy móc hiện đại vào việc sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản làm tăng giá trị sản phẩm chè, đáp ứng được nhu cầu thị yếu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích vùng trồng chè. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, trồng mới 50 ha chè Shan tuyết, nâng diện tích chè của Tà Xùa lên 420 ha. Đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi dựa trên sự liên kết theo chiều dọc giữa các nhóm hộ - HTX - Công ty - hệ thống bán lẻ, vừa giữ gìn, bảo tồn diện tích chè cổ thụ, vừa nâng cao đời sống bà con vùng cao Bắc Yên từ cây chè.