Giữa đại ngàn An Toàn, nơi rừng núi trập trùng và mây mù giăng kín quanh năm, tồn tại một cánh rừng đặc biệt mà ít người biết đến. Ở đó, không chỉ có những tầng cây nguyên sinh, chim thú quý hiếm mà còn có những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi – trầm mặc, uy nghi như những chứng nhân thời gian.
Người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Ba Na ở xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định), vẫn thường gọi đó là “rừng chè Tiến Vua”.
Theo lời kể truyền lại từ đời này qua đời khác, khu rừng này từng là nơi các binh lính của vua Gia Long chăn thả ngựa, luyện binh. Những cây chè đầu tiên được trồng tại đây không chỉ để uống mà còn để dâng tiến triều đình – một thứ nước quý chỉ dành cho bậc đế vương.
Từ lâu, người ta đã đồn rằng, giữa không gian rừng thiêng nước độc ấy, mỗi buổi sớm mai, khi sương còn giăng đầy trên những cành lá, có thể nghe thấy tiếng thì thầm của núi rừng vọng qua tiếng gió. Như thể những cây chè cổ đang kể lại câu chuyện đời mình, câu chuyện của một vùng đất từng gắn liền với lịch sử dựng nước.
Tuy nhiên, đó là những lời đồn, lời kể theo hướng chủ quan, nguồn gốc thực sự của chè Tiến Vua Bình Định thì không ai biết đến từ đâu, chỉ biết rằng, chúng đã tồn tại nơi đây hàng thế kỷ. Bằng chứng thiết thực nhất là những gốc chè mà một vòng tay người ôm không hết.
Rừng chè cổ xã An Toàn hiện có hơn 6.000 cây, trong đó gần 1.000 cây được xếp vào diện “cổ thụ đặc biệt”, có cây cao tới 9m, đường kính gốc hơn 30cm, tán rộng gần 7m. Đặc biệt, toàn bộ khu vực rừng chè này đều mọc tự nhiên, không qua lai ghép hay tác động nhân tạo.
Loại chè này khác biệt hoàn toàn với chè trồng ở các vùng núi phía Bắc. Lá chè xanh đậm, dày bản, khi vò tay có mùi thơm dịu rất đặc trưng. Nước chè sau khi nấu có màu vàng sánh, vị đắng nhẹ ở đầu lưỡi, hậu ngọt và thơm kéo dài – một hương vị mà ai đã từng nếm thử đều không thể quên.
Từ xưa đến nay, đỉnh núi An Toàn (huyện An Lão) nằm ở khu vực hiểm trở, đường đi rừng gian nan, dân cư thưa thớt, nên suốt nhiều thập kỷ, rừng chè “Tiến Vua” cổ gần như bị lãng quên.
Theo lão làng người Ba Na nơi này kể lại, người dân địa phương phần lớn là người Ba Na bản địa mới sử dụng loại chè này. Họ hái lá non, đem sao khô bằng chảo gang trên bếp củi rồi cất giữ như báu vật trong nhà.
Mỗi khi có khách quý, họ mới mang chè ra pha đãi – như một nghi lễ thiêng liêng, một cách kể chuyện về tổ tiên mình bằng hương vị. Hoặc họ chỉ hái chè để uống trong gia đình. Họ coi đó là "lá rừng thần thánh", nhưng không ai nghĩ sẽ có ngày chè trở thành sản vật đặc sản.
Thế nhưng, cũng như nhiều sản vật quý hiếm khác của đại ngàn, chè Tiến Vua đã từng có giai đoạn bị lãng quên. Vào thập niên 1990 – 2000, khi kinh tế thị trường len lỏi đến từng vùng quê, người ta bắt đầu chạy theo các giống chè năng suất cao, thời gian thu hoạch nhanh, dễ trồng, dễ bán.
Những cây chè cổ nơi đây đứng trơ giữa rẫy hoang và một vùng nguyên sinh rộng lớn, không ai, không một bàn tay chăm sóc. Có những cây thậm chí bị chặt bỏ để lấy đất trồng sắn, trồng keo hoặc tự sinh tự diệt bởi thiên tai khắc nghiệt.
"Trà nói chuyện với người đó. Nó kể về rễ cây ăn sâu trong đất, về sương mù quấn trên ngọn lá mỗi sớm, về tay người hái chè giữa gió núi. Chúng tôi từng nghĩ, có lẽ rồi rừng chè sẽ biến mất mãi mãi," ông Đinh Văn Lý – một già làng uy tín, một người con Ba Na sống hơn 70 năm giữa đại ngàn An Toàn – chia sẻ.
Và thế rồi, giữa đỉnh cao mờ sương có những thảm rừng sâu thẳm, nơi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, một báu vật tưởng chừng bị lãng quên đã bất ngờ được “đánh thức” vào đầu những năm 2000: rừng chè cổ thụ, được gọi bằng cái tên đầy tôn kính – “Chè Tiến Vua”.
Vừa dẫn chúng tôi băng qua những con dốc trơn trượt sau trận mưa lơn đêm qua để tiếp cận những “báu vật trăm tuổi” giữa đại ngàn, anh Nguyễn Trường Tư (40 tuổi), Nhân viên Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn chia sẻ,
Câu chuyện bắt đầu từ một chuyến khảo sát thực địa của Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn vào năm 2004. Khi đó, nhóm cán bộ lâm nghiệp phát hiện những cây chè mọc rải rác trong rừng, cao hơn đầu người, tán rộng, thân rêu phủ dày và có vẻ đã sống hàng trăm năm.
Nhận thấy đây là giống cây lạ, họ đã phối hợp với các chuyên gia Viện Dược liệu để lấy mẫu phân tích.
Một kết quả nghiên cứu bất ngờ được đưa ra, đây không chỉ xác nhận đây là giống chè Shan tuyết cổ thụ quý hiếm, mà còn chỉ ra hàm lượng chất chống oxy hóa, flavonoid và catechin trong chè rất cao – tương đương hoặc vượt nhiều vùng chè nổi tiếng ở Tây Bắc.
Cũng theo anh Tư, hành trình đưa cái tên “Chè Tiến Vua” trở lại ánh sáng vào thời điểm ấy không hề đơn giản. Hơn nữa, trong một thời gian dài, do thiếu thông tin và nhận thức, nhiều cây chè cổ đã bị đốn bỏ để lấy đất trồng keo, bạch đàn. Khi chính quyền bắt đầu nhận diện giá trị rừng chè, gần một phần ba diện tích tự nhiên của chúng đã bị suy giảm.
Phải đến sau năm 2015, khi các nhà nghiên cứu lịch sử phát hiện mối liên hệ giữa khu vực này và “Bãi cỏ Gia Long” – nơi từng được quân lính của vua Gia Long sử dụng làm bãi tập ngựa – thì giả thuyết về nguồn gốc “Chè Tiến Vua” mới được củng cố.
Nhiều tài liệu ghi chép rằng chính binh lính triều Nguyễn đã trồng chè để dâng vua trong những chuyến tuần thú phương Nam, rồi từ đó cây chè lan rộng và phát triển tự nhiên.