Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn

Bình Định đang viết tiếp câu chuyện chè tiến vua – không chỉ để bán được một hộp trà, mà để gìn giữ một hồn đất, một nét văn hóa, một tiếng nói từ đại ngàn.

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 1
Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 2

Với diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn và khí hậu ôn hòa, huyện An Lão (Bình Định) được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp đặc sản của Bình Định. Cây chè tiến vua, nhờ thế, trở thành hạt nhân quan trọng trong chiến lược phát triển xanh, gắn với bảo tồn sinh thái và văn hóa bản địa.

Sau hơn một thập kỷ nỗ lực thống kê, đánh số, bảo vệ từng cây chè, đến nay, huyện An Lão đã xác định được hơn 6.000 cây chè tiến vua, trong đó gần 1.000 cây cổ thụ do nhà nước quản lý, còn lại thuộc nương rẫy của người dân.

Một số cây được định tuổi trên trăm năm, có thể xem là những “cây tổ” trong dòng chè Việt.

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 3

Chính quyền Bình Định đã ban hành nhiều chủ trương quyết liệt: không cho khai thác gỗ ở khu vực có chè cổ, đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến chè, tổ chức tập huấn cho người dân cách hái chè đúng chuẩn để giữ hương vị tự nhiên. Nhiều sản phẩm trà như hồng trà, bạch trà từ cây chè cổ cũng được giới thiệu trên thị trường.

Và hơn tất cả, người dân An Lão – đặc biệt là cộng đồng người Ba Na – đã trở thành những người gìn giữ báu vật xanh bằng chính tình yêu với rừng, với cây chè từ thuở cha ông để lại.

May mắn thay, những năm gần đây, khi giá trị của cây chè cổ được nhìn nhận lại, chính quyền và người dân địa phương đã cùng nhau bắt tay bảo tồn. Huyện An Lão đã tiến hành rà soát, đánh dấu từng cây chè cổ, đưa vào diện cây quý cần bảo vệ. Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn phối hợp với Viện Dược liệu để nghiên cứu giá trị sinh học và dược liệu của chè cổ. Kết quả rất khả quan: chè An Toàn chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa, tốt cho tim mạch và tiêu hóa.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, Bình Định còn đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè tiến vua theo mô hình hữu cơ, kết hợp du lịch cộng đồng và quảng bá sản phẩm.

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 4

Giữa những ồn ào của thị trường và tốc độ tiêu dùng ngày càng nhanh, điều quan trọng nhất vẫn là giữ được hồn chè. Hồn ấy không nằm trong bao bì hay những chỉ số hàm lượng, mà nằm ở cách người ta tiếp cận và trân trọng nó – như cách người dân làng An Toàn, huyện An Lão, vẫn giữ thói quen xưa: pha trà bằng nước suối trong vắt chảy từ núi về, rót ra những chén gốm thô mộc, uống chậm rãi trong im lặng.

Ở đó, mỗi ngụm trà không chỉ để giải khát. Nó là một hơi thở của rừng, là tiếng thì thầm của những cây chè cổ đứng trầm mặc giữa đại ngàn.

Ông Đinh Vặn Lý (72 tuổi), Già làng uy tín người Ba Na xã An Toàn bảo rằng, uống chè tiến vua không cần phải “sành”. Chỉ cần biết lắng nghe: “Trà nói chuyện với người đó. Nó kể về rễ cây ăn sâu trong đất, về sương mù quấn trên ngọn lá mỗi sớm, về tay người hái chè giữa gió núi.

Chè tiến vua không phải để uống vội. Nó không hợp với cuộc sống ào ào, tiện lợi. Nó dành cho những ai biết dừng lại. Dừng lại để cảm nhận một mùi hương vừa chát, vừa ngọt, vừa có chút mằn mặn như hơi đất. Dừng lại để hiểu rằng, trong một chén trà, có cả tuổi đời trăm năm và sự kiên cường của đất rừng Bình Định.

Giữ được điều ấy – mới là giữ được linh hồn của sản phẩm. Bởi trong khi thương hiệu có thể được định vị bằng chiến lược và quảng cáo, thì giá trị tinh thần của chè Tiến Vua chỉ có thể được lưu giữ bằng tình yêu và sự gắn bó của cộng đồng người đang sống cùng nó.

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 5
Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 6

Tháng 2/2024, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã nhấn mạnh, với dự án chè tiến vua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và sẽ có các hướng hỗ trợ thiết thực nhất cho nhà đầu tư trong việc phát triển dự án tại xã An Toàn.

Tôi đề nghị UBND huyện An Lão thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về ứng dụng chè tiến vua; tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn môi trường, cảnh quan và tăng cường bảo vệ rừng; Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn 2 cần kiểm đếm đầy đủ về số lượng cây chè hiện có trên địa bàn rừng quản lý, để có nguồn nguyên liệu ổn định”, ông Hồ Quốc Dũng chỉ đạo

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 7

Từ chỉ đạo trên, trong năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi tỉnh Bình Định phê duyệt dự án xây dựng nhà máy sản xuất trà tiến vua tại An Toàn với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng. Dự án này không chỉ giúp nâng cao giá trị chè cổ mà còn tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Đến nay, ngoài việc sản xuất chè khô theo phương pháp truyền thống, địa phương bước đầu còn cho ra mắt thử nghiệm nhiều dòng sản phẩm mới: hồng trà, bạch trà, thanh trà, diệp trà… được đóng gói cản thận, mẫu mã tinh tế để phục vụ thị trường quà tặng và quảng bá khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp cận, đề xuất liên kết vùng nguyên liệu An Toàn để sản xuất trà cao cấp.

Thứ chè rừng ngày nào người dân chỉ dùng để uống chơi, làm quà biếu khách quý, nay đang từng bước trở thành sản phẩm chủ lực trong chương trình OCOP – Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Bình Định.

Quyết định này không chỉ là bước ngoặt của một sản phẩm, mà còn là sự khởi đầu cho hành trình hồi sinh một thương hiệu đã từng suýt rơi vào quên lãng giữa đại ngàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – ông Nguyễn Tuấn Thanh, việc đưa chè tiến vua vào chương trình OCOP là kết quả của quá trình khảo sát, đánh giá tiềm năng từ thực tế vùng nguyên liệu cho đến tập quán canh tác và giá trị văn hóa gắn liền với cây chè.

Đây là sản phẩm có câu chuyện, có bản sắc và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh nếu được đầu tư đúng hướng,” ông Thanh nhận định.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, chè tiến vua An Toàn là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Những năm qua, huyện có nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển vùng chè quý này.

“Trước đó năm 2019, huyện An Lão lập các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Chè tiến vua An Toàn - An Lão". Sản phẩm này cũng là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của địa phương”, ông Lâm thông tin.

Đến cuối năm 2023 đầu 2024, UBND huyện An Lão và Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Q-Link, HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã tổ chức tập huấn cho 30 hộ dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hái sản phẩm chè; thực nghiệm cắt tỉa, thu hái chè trên 300 cây chè và triển khai sản xuất thử nghiệm cho kết quả tốt…

Nhưng tham vọng không dừng lại ở đó, UBND tỉnh Bình Định đặt mục tiêu chè tiến vua trước khi trở thành hàng hóa đại trà thì phải là một thương hiệu văn hóa – nơi mỗi hộp trà là một lát cắt của lịch sử, thiên nhiên và con người Bình Định.

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 8

Mỗi vùng đất đều có một biểu tượng văn hóa: với Tây Nguyên là cà phê, với Huế là nón lá, thì với Bình Định, đang từng bước vươn lên, đó có thể sẽ là chè tiến vua – thứ sản vật mang trong mình nhiều lớp nghĩa.

Nó là câu chuyện về thời gian – khi cây chè sống cả trăm năm mà vẫn xanh tốt, bất chấp bão tố. Là câu chuyện về con người – những người dân miền núi gắn bó đời mình với rừng, với chè, truyền nhau những cách hái, cách ướp trà như một nghi lễ thiêng liêng. Và trên hết, đó là câu chuyện về thiên nhiên – nơi núi rừng không chỉ là bối cảnh, mà là chủ thể: nuôi dưỡng, che chở và ban phát cho chè một hương vị không nơi nào có được.

Ở thời điểm này, trong khi Bình Định đặt niềm tin, kỳ vọng ở chè Tiến Vua sẽ được “ra biển lớn” thì những người yêu trà có thể bắt đầu tin rằng: mỗi sản phẩm chân thật, dù sinh ra từ chốn rừng sâu, vẫn có cơ hội bước ra biển lớn nếu mang trong mình bản sắc riêng và được trao cho cơ hội tử tế.

Từ những thân cây chè hoang mọc trong rừng sâu An Lão đến định danh OCOP để  bước chân ra thị trường trong nước và quốc tế, chè tiến vua Bình Định có quyền ước mơ để viết lại hành trình của một sản vật tưởng như đã bị lãng quên.

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 9

Sự hồi sinh của chè tiến vua không chỉ đơn thuần là câu chuyện nông sản. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ rằng những gì thuộc về cội nguồn, nếu được nâng niu, vẫn có thể vươn mình sống dậy giữa dòng chảy hiện đại.

Đó là tiếng thì thầm của đại ngàn, không bao giờ tắt – như chính tinh thần bất khuất của người Bình Định từ thuở lập làng, mở đất đến nay.

Bài cuối: Chè tiến vua và hành trình kỳ vọng ra biển lớn - Ảnh 10