Quảng Trị khởi công dự án đường ven biển 2.060 tỷ đồng
Ngày 29/4, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi công dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, hình thành hệ sinh thái đô thị, khu dịch vụ - du lịch ven biển gắn với Khu kinh tế Đông Nam tỉnh...
Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 – 2022).
Dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 1.644 tỷ đồng và hơn 416 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2021 – 2025.
Ông Võ Phong Luân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị, đơn vị chủ đầu tư cho biết, dự án đi qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP Đông Hà với tổng chiều dài khoảng 55km.
Trong đó, chiều dài dự án đầu tư giai đoạn 1 là 48km, bao gồm 2 đoạn.
Đoạn 1, từ ranh giới với tỉnh Quảng Bình đến phía Bắc cầu Cửa Việt dài 36km (chưa đầu tư đoạn qua khu vực cầu Cửa Tùng và đoạn tuyến qua cầu Cửa Việt), gồm 2 phân đoạn.
Phân đoạn từ thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đến giao với ĐT574 phía Bắc cầu Cửa Tùng (Km23+060 của dự án) đầu tư hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m và dải đất dự trữ trồng cây xanh rộng 15 m.
Phân đoạn từ phía Nam cầu Cửa Tùng đến Bắc cầu Cửa Việt có quy mô đầu tư đường phố chính đô thị vận tốc thiết kế 80 km/h.
Vốn FDI chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp miền Bắc
JLL Việt Nam vừa công bố báo cáo về thị trường bất động sản, theo đó, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất 5 năm: Mặc dù vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt 8,91 tỷ USD trong quý 1/22, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, vốn giải ngân đạt 4,42 tỷ, tăng 7,8% so với cùng kỳ và là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Singapore tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về số vốn đầu tư vào Việt Nam, đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn FDI.
Tiếp theo là Hàn Quốc đứng thứ 2 với 1,61 tỷ USD. Đan Mạch xếp thứ 3 với 1,32 tỷ USD từ dự án nhà máy LEGO tại Bình Dương. Trong 18 ngành thu hút đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện.
Tính tới cuối tháng 3, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 đạt 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2022 là 1.177,9 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm), tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2022 bình quân một tháng có 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; 17.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kết quả điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022. Đây là kết quả quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thị trường đất khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn miền Bắc tại các tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hưng Yên trong quý I.
Khắc phục bất cập trong định giá đất tại TP.HCM
Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất để tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và tính bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định 5 phương pháp thẩm định giá đất là: so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư (áp dụng đối với thửa đất tính theo bảng giá đất có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên) và hệ số điều chỉnh giá đất (áp dụng đối với thửa đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng). Nhưng khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn thành phố, trình HĐND TP.HCM thông qua, trên cơ sở đó UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất trên 30 tỷ đồng hay dưới 30 tỷ đồng), thay vì phải thực hiện thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá.
Xem xét đề nghị của UBND TP.HCM, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và các bộ, ngành khác có liên quan, nghiên cứu các bất cập, tồn tại trong việc thực hiện các phương pháp định giá đất trên địa bàn thành phố để có giải pháp khắc phục, xử lý.
Những lưu ý liên quan đến giấy phép khi xây dựng
Trên thực tế có không ít trường hợp người dân tự ý xây nhà nhưng không xin phép. Những trường hợp không được miễn giấy phép xây dựng nhưng lại không có giấy phép hoặc xây sai giấy phép sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo luật sư Trần Vân Linh, đoàn luật sư TP.HCM, việc xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ phần xây dựng không phép, sai phép, gây tốn kém cho chủ đầu tư.
Những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo khoản 2 điều 89 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020:
Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, VKSND tối cao, TAND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;
Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ.
Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này.
Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.