Bản tin bất động sản 19/5: Quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

26 dự án từ nay đến 2030 sẽ được TP Cao Bằng mời đầu tư; Bình Định ‘siết’ quản lý các dự án nhà ở xã hội; Bộ Xây dựng rà soát, tổng hợp Đề án phát triển đô thị thông minh... sẽ là những thông tin đang chú ý có trong bản tin hôm nay.

26 dự án từ nay đến 2030 sẽ được TP. Cao Bằng mời đầu tư

Bản tin bất động sản 19/5: Quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại - Ảnh 1

Theo Báo Cao Bằng, hiện trên địa bàn TP. Cao Bằng có 12 dự án đang được đầu tư với quy mô hơn 253 ha. Đây là những dự án phát triển các đô thị: 2A, 4A1, 5A, 6A, 7A, 8A, 9A, 10A, 13A (khu đô thị Bắc sông Hiến), 1B và dự án phát triển đô thị phường Sông Bằng (khu C).

Ngoài ra, có 14 dự án chưa có nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất.

Hai bên đường Võ Nguyên Giáp có 16 dự án, trong đó một dự án đang triển khai xây dựng nhà ở thương mại và khu phức hợp; 1 dự án thực hiện theo chương trình đầu tư công.

6 dự án lựa chọn được nhà đầu tư gồm: 3A, 7A, 8A, 9A, 10A, 13A; 1 dự án đã hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư; 1 dự án đang tổ chức thẩm định đề xuất dự án; các dự án còn lại chưa có nhà đầu tư gồm: 1A, 5A1, 5A2, 14A, 1D, 5D.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh dự kiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thực hiện 26 dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố.

Việc đầu tư, thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị tại TP. Cao Bằng nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng TP. Cao Bằng đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2027.

Bình Định ‘siết’ quản lý các dự án nhà ở xã hội

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, đến thời điểm hiện, trên địa bàn tỉnh có 15 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai với khoảng 10.733 căn, diện tích sử dụng căn hộ khoảng 658.903m2, đạt tỷ lệ khoảng 61% đối với dự án nhà ở xã hội tại đô thị.

Bản tin bất động sản 19/5: Quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại - Ảnh 2

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý, giám sát việc đầu tư, sử dụng... đối với các dự án nhà ở xã hội.

Trong đó, 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (kể cả dự án Nhà ở xã hội – Cao ốc Long Thịnh) với 1.587 căn, diện tích sử dụng căn hộ 107.187m2.

6 dự án đang thi công với 3.950 căn, diện tích sử dụng căn hộ 224.979 m2 (trong đó 2 dự án chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng). 8 dự án đang tiến hành lựa chọn chủ đầu tư, triển khai thủ tục đầu tư xây dựng với khoảng 5.196 căn, diện tích sử dụng căn hộ khoảng 326.737m2.

Ngoài ra, hiện, 18 dự án với khoảng 10.200 căn chưa được triển khai, trong đó dự án nhà ở xã hội tại đô thị là 8.050 căn, dự án nhà ở xã hội cho công nhân là 2.150 căn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy của khu kinh tế, một số khu công nghiệp còn thấp, dẫn đến lực lượng công nhân không nhiều, nhu cầu ít hoặc không có. Hiện, Trung ương cũng chưa ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp nên các nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.

Trước tình hình nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã ký văn bản gửi các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng đối với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã ban hành và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 2775/UBND-KT ngày 23/5/2019 về việc tăng cường công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh liên quan đến công tác quản lý, phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Bộ Xây dựng rà soát, tổng hợp Đề án phát triển đô thị thông minh

Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Hướng tới phát triển đô thị, khu đô thị thông minh theo hướng bền vững (ảnh minh họa: Internet).
Hướng tới phát triển đô thị, khu đô thị thông minh theo hướng bền vững (ảnh minh họa: Internet).

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan báo cáo tình hình phát triển đô thị thông minh tại địa phương trước và sau khi ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” (được gọi là Đề án 950).

Bộ Xây dựng cũng đề nghị nội dung báo cáo phải chi tiết các công việc đã triển khai trước khi Đề án 950 được ban hành và các thông tin chung trong triển khai đô thị thông minh kể từ sau khi Đề án 950 được ban hành. Bên cạnh đó, khái quát tình hình tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Đề án 950. Đồng thời, báo cáo kinh phí thực hiện các nội dung liên quan tới phát triển đô thị thông minh (cụ thể: Triển khai các dự án đầu tư xây dựng đô thị/khu đô thị thông minh; triển khai các hạng mục tại Đề án đô thị thông minh của địa phương; các nội dung liên quan khác).

Mặt khác, các địa phương cũng báo cáo khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, văn bản quy phạm pháp luật... trong quá trình triển khai xây dựng đô thị thông minh, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị.

Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 06/2022.

Quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Sáng 18/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bản tin bất động sản 19/5: Quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại - Ảnh 3

Đại diện các bộ, ngành, địa phương thảo luận nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất các kiến nghị nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng).

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỉ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết quan trọng này. Quá trình đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở đó phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết. Chương trình hành động phải bảo đảm sát các nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án, chương trình trọng điểm khác liên quan đến phát triển đô thị. 

Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết. Khẩn trương chỉ đạo ra soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền, có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị.

KTDU

Tiến Hoàng

Từ khóa: