Kon Tum siết chặt tình trạng phân lô, bán nền gây sốt ảo
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã phát đi Công văn số 1044/UBND-NNTN về việc rà soát tình trạng phân lô, tách thửa, chuyển nhượng nhà, đất trong khu vực triển khai thực hiện dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, xét báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tại Văn bản số 46/CV-TTPTQĐ ngày 4/4/2022 về việc tình trạng chuyển nhượng nhà, đất trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo trong khu vực đang triển khai thực hiện dự án: Xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24.
Đồng thời, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế tại khu vực thực hiện dự án có hiện tượng người dân tự ý cắm cọc, rải cấp phối mặt đường, thực hiện việc tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất trong khu vực này.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP. Kon Tum căn cứ các quy định có liên quan về công tác quản lý đất đai, tổ chức kiểm tra việc tách thửa, phân lô, chuyển nhượng tại các dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum để kịp thời xử lý.
Cùng với đó chỉ đạo chấn chỉnh việc tách thửa, phân lô để trục lợi từ các dự án, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
UBND TP. Kon Tum chịu trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng để người dân biết và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Song song với đó, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng, đặc biệt đối với các hành vi sử dụng đất không đúng mục đích; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại các dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Miền Trung - Điểm đến mới của các nhà đầu tư bất động sản
Hai thành phố lớn tại miền Trung đã phát triển mạnh mẽ bao gồm Đà Nẵng và Nha Trang là nơi hội tụ của những tên tuổi nhà đầu tư BĐS “khủng”, xuất phát từ việc tận dụng được các lợi thế, tiềm năng đối với kinh tế biển và hoạt động kinh tế du lịch.
Tuy nhiên, cũng chính vì sự phát triển ổn định này mà quỹ đất cho đầu tư mới tại hai thành phố Đà Nẵng và Nha Trang cũng bắt đầu hạn hẹp và giá thị trường cũng cạnh tranh.
Chính vì thế, xu hướng đầu tư của các ông lớn BĐS đang dần dịch chuyển về các khu vực lân cận như Huế hay các tỉnh phía Bắc Trung Bộ như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
Riêng khu vực Bắc Trung Bộ, ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, các tỉnh này đều có những thời điểm phải áp dụng chỉ thị 16, giãn cách toàn xã hội, song, các dự án của các chủ đầu tư uy tín vẫn nhận được sự quan tâm tích cực của người mua, giá biến động tăng khoảng 5% so với quý trước đó.
Giám đốc tại một sàn BĐS tại TP Đông Hà, Quảng Trị cho biết, sau dịch, các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn trong việc chọn lựa. Xu thế cho thấy các sản phẩm có quy hoạch rõ ràng, tính pháp lý minh bạch, khả năng vận hành từ các chủ đầu tư uy tín luôn là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, cũng theo vị này, tại các tỉnh miền Trung có định hướng phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế và du lịch, nhóm sản phẩm bất động sản như shophouse khá được yêu thích vì khả năng khai thác kinh doanh cao.
Quảng Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu phức hợp Ba Đồn
Theo đó, Khu phức hợp Ba Đồn có diện tích 20.387,22 m2 với quy mô dân số khoảng 1.000 người.
Theo quy hoạch, Khu phức hợp bao gồm các công trình, dãy nhà ở liền kề được tổ chức đồng bộ, trật tự; quy mô công trình, màu sắc và chi tiết kiến trúc được kiểm soát thống nhất theo từng tuyến phố.
Khu nhà ở liền kề được phép xây dựng công trình có chiều cao tối đa 5 tầng với mật độ xây dựng tối đa 100%; các công trình nhà ở được phép kết hợp kinh doanh dịch vụ thương mại.
Khu đất thương mại dịch vụ được phép xây dựng công trình có chiều cao từ 15 - 20 tầng với mật độ xây dựng tối đa 80%, chỉ giới xây dựng lùi tối thiểu 6,0 m so với chỉ giới đường đỏ của các đường quy hoạch xung quanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, việc lập quy hoạch nhằm có cơ sở cho việc triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị phức hợp hiện đại, tiện nghi, hợp lý về sử dụng đất, đẹp về không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối thuận lợi với khu vực lân cận.
Các địa phương khẩn trương xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.
Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách theo thẩm quyền về quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế, chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.
Hải Phòng: HĐND thành phố giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý đất đai
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hải Phòng, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng thành phố được duyệt, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt phủ kín các quy hoạch xây dựng cấp dưới như: Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; Quy hoạch phân khu 7 quận, quy hoạch chung 7 thị trấn, 6 thị tứ (đô thị mới); các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố theo quy định; lập quy hoạch chi tiết các dự án để cải tạo, chỉnh trang đô thị, thiết kế đô thị các tuyến phố chính. Về công tác quy hoạch nông thôn, UBND các huyện đã hoàn thành quy hoạch Nông thôn mới cho 139/139 xã, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố công nhận 139/139 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Sau khi HĐND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 29/3/2016 về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí tài nguyên đất, các tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất đã ý thức hơn về trách nhiệm của người sử dụng đất; việc quản lý, sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính từng bước được chấn chỉnh.