Bản tin bất động sản 22/4: Nhiều dự án thương mại, dịch vụ chậm tiến độ

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: nhà đầu tư đất nền tháo chạy khỏi Đà Nẵng; khởi công Dự án khu nhà ở xã hội tại Hà Nam; Thái Bình: 21,9 ha đất lúa được chấp thuận chuyển đổi thành cụm công nghiệp…

Nhiều dự án thương mại, dịch vụ chậm tiến độ

Khu thương mại, dịch vụ tổng hợp Dung Quất (giai đoạn 2) sau nhiều năm triển khai vẫn chưa hoàn thành.
Khu thương mại, dịch vụ tổng hợp Dung Quất (giai đoạn 2) sau nhiều năm triển khai vẫn chưa hoàn thành.

Dự án trung tâm điều hành xe buýt Mai Linh - Dung Quất, do Công ty TNHH MTV Mai Linh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư xây dựng tại xã Bình Thuận (Bình Sơn), được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (Ban Quản lý) cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2014. Tuy nhiên, sau đó, dự án chậm triển khai, Ban Quản lý đã thay đổi quyết định chủ trương đầu tư 3 lần (lần mới nhất vào ngày 22/5/2019). Đến nay, dự án mới chỉ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục thuê đất, giao đất, chưa được cấp phép xây dựng, nên công trình chưa được khởi công.

Dự án Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Dung Quất, do Công ty TNHH Tân Dung Quất làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Bình Thuận, quy mô gần 20 nghìn mét vuông. Năm 2007, dự án được Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đầu tư, sau đó do chậm tiến độ, Ban Quản lý đã cho phép chủ đầu tư điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 4 lần (lần cuối vào ngày 4/3/2019). Theo thông tin từ Ban Quản lý, dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, với diện tích 1.762m2; còn giai đoạn 2, hiện chỉ san nền, tường rào, cổng ngõ... 

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, các dự án này liên tục chậm tiến độ, giấy phép xây dựng hết hạn, song Ban Quản lý không thực hiện việc kiểm soát, cho giãn tiến độ thực hiện quá thời gian quy định của các quy định của pháp luật. Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đàm Minh Lễ cho biết, hiện Ban Quản lý đang tổ chức khắc phục những sai sót mà Thanh tra tỉnh đã chỉ ra, xử lý nghiêm những chủ đầu tư cố tình kéo rê dự án. Đồng thời, chấn chỉnh việc quản lý dự án, đảm bảo tuân thủ các quy định trong quá trình đầu tư.

Nhà đầu tư đất nền tháo chạy khỏi Đà Nẵng

Đất nền khu đô thị ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: Chu Lai).
Đất nền khu đô thị ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: Chu Lai).

Anh Thành Vũ, nhà đầu tư bất động sản (BĐS) có thâm niên hơn 8 năm ở Đà Nẵng, chia sẻ từ cuối năm 2021, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán 2022, anh quan sát thấy nhiều lô đất nền ở phía Nam Đà Nẵng có chủ sở hữu ở Hà Nội, TP. HCM được rao bán ra thị trường.

Vị trí các lô đất bán ra thuộc các khu đô thị ven sông Cổ Cò, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và các khu đô thị ở thuộc quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng).

"Đất nền ở Nam Đà Nẵng giá đã neo cao sau giai đoạn lướt sóng. Theo quan sát của tôi, không phải đến bây giờ nhà đầu tư ở Hà Nội, TP. HCM hay các tỉnh, thành khác mới bán ra. Họ bán ra dần dần nhưng số lượng ít. Đến đầu năm nay, họ bán ra nhiều hơn hai năm trước.

Cũng theo nhà đầu tư này, các lô đất nền ở quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn đang được bán ra với giá từ 37 triệu đồng/m2; các lô đất xây biệt thự, vị trí ngã ba, ngã tư, đường lớn có giá từ 70 triệu/m2.

Là nhà đầu tư kiêm môi giới đất nền Quảng Nam, chị Thị Vy chia sẻ, từ cuối năm 2021 đến nay, nhà đầu tư Hà Nội, TP HCM đã gửi bán ra thị trường nhiều lô đất nền đầu tư ven sông Cổ Cò, thị xã Điện Bàn từ những năm trước.

"Nhà đầu tư ở Hà Nội, TP. HCM họ rất thích đất gần biển, gần sông. Có người mua đất nền tại các dự án ven sông Cổ Cò từ 2016-2017, có người mua thời điểm cuối năm 2019.

Thời điểm nóng sốt nhiều năm trước, có nhiều nhà đầu tư mua 3-4 lô, giá dao động 700-800 triệu đồng rồi bán ra ngay. Có người ôm đến giờ mới bán ra", chị Thị Vy kể.

Nữ môi giới này cho biết, hiện các lô đất gần sông Cổ Cò, gần biển đang được rao bán ra với giá từ 23 triệu đồng/m2.

Về tình hình mua bán, chị Thị Vy cho biết, giao dịch chậm, người bán ra nhiều trong khi người mua ít. Người mua chủ yếu để ở, còn nhà đầu tư không "nhảy vào" vì đất đã neo giá cao.

Khởi công Dự án khu nhà ở xã hội tại Hà Nam

Các đại biểu thực hiện nghi lễ bấm nút khởi công Dự án. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Các đại biểu thực hiện nghi lễ bấm nút khởi công Dự án. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Dự án  Khu nhà ở xã hội Phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị ( HUD) làm chủ đầu tư.

Dự án có vị trí thuộc lô 02 – nhà ở xã hội Phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Dự án có tổng diện tích 4,9 ha bao gồm 4 khối nhà cao 9 tầng với 564 căn hộ và một số căn nhà ở thấp tầng.

Dự án được quy hoạch, thiết kế theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại và được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đầy đủ.

Cụ thể, 100% căn hộ đều được đón gió và ánh sáng tự nhiên thông qua các cửa sổ và ban công rộng lớn, mặt bằng căn hộ được bố trí hợp lý, diện tích đa dạng và tối ưu hóa công năng sử dụng. Các căn hộ của dự án nhà ở xã hội có diện tích đa dạng từ 36,2 đến 68,9 m2.Dự án dành trên 50% tổng diện tích cho hệ thống cảnh quan và dịch vụ tiện ích bao gồm: Trường mầm non; khu tập thể thao ngoài trời; siêu thị; khu sinh hoạt cộng đồng; khu để xe tập trung trong nhà; đường dạo, bể vầy cây xanh cảnh quan. Khu nhà ở được bố trí chốt an ninh 24/7 có camera giám sát, hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn mới nhất. Dự kiến giá bán căn hộ của dự án sẽ từ 380 triệu đồng/căn.

Thái Bình: 21,9 ha đất lúa được chấp thuận chuyển đổi thành cụm công nghiệp

Các khu công nghiệp đang tạo ra sức bật cho kinh tế Thái Bình phát triển. Ảnh minh họa: Báo Thái Bình
Các khu công nghiệp đang tạo ra sức bật cho kinh tế Thái Bình phát triển. Ảnh minh họa: Báo Thái Bình

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký công văn chấp thuận cho UBND tỉnh Thái Bình chuyển mục đích sử dụng 21,9 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp (CCN) Đông Hải theo như ý kiến thẩm định và nội dung trình của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng về quyết định thực hiện dự án và tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật và ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Bộ Tài nguyên theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật.

Cụm công nghiệp Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ được quy hoạch trên đất nông nghiệp nằm ở phía Đông, Quốc lộ 10, đoạn đi qua xã Đông Hải. Dự án có phía Bắc giáp tuyến đường Thái Bình – Hà Nam, giai đoạn 2, phía Nam giáp khu dân cư thôn Đồng Cừ, xã Đông Hải, phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Đông Hải, phía Tây giáp Quốc lộ 10.Theo quyết định đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, đây là cụm công nghiệp gồm các ngành: điện, điện tử, dệt may, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ công nghiệp.

Đồng Nai: Đề xuất quy định mới về tách thửa, hợp thửa đất

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo dự thảo, đất muốn tách, nhập thửa phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tranh chấp, không bị kê biên, chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất.

Đối với đất ở, khi muốn tách thửa, cạnh của thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 5m đối với đường giao thông có lộ giới bằng hoặc lớn hơn 19m, cạnh của thửa đất lớn hơn hoặc bằng 4m đối với đường giao thông có lộ giới nhỏ hơn 19m và diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa với đất ở đô thị là 60m2, đất ở nông thôn là 80m2. Đất nông nghiệp tách thửa ở khu vực đô thị diện tích tối thiểu là 500m2 và khu vực nông thôn là 1.000m2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi yêu cầu các sở ngành, địa phương rà soát lại các nội dung trong dự thảo quy định về tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh để hoàn thiện, đồng thời phải chú ý quản lý chặt chẽ các hồ sơ chuyển nhượng những thửa đất nông nghiệp có nhiều người đồng sở hữu để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép.

KTDU

Từ khóa: