Giải pháp nào để hạn chế lũng đoạn thị trường bất động sản
Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do không ít cá nhân, hoặc nhóm người đã có hành vi đi gom đất, phân lô rồi “thổi” giá, tạo sốt ảo, để bán ra ăn “chênh lệch”, gây lũng loạn thị trường.
Ở một số nơi, đất không rõ nguồn gốc, đất vườn, đất nông nghiệp… cũng được phân lô và rao bán. Nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng bằng “dự án ma”, bằng thông tin thất thiệt. Từ đó, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính. Đồng thời gây bất ổn cho thị trường bất động sản.
Trước thực trạng này, mới đây, chính quyền nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã ban hành văn bản tạm dừng giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở…
“Việc này sẽ góp phần ngăn chặn được hoạt động gom đất hỗn hợp tràn lan rồi phân lô, rao bán trái mục đích sử dụng. Tôi cho rằng sau loạt động thái mạnh của chính quyền các tỉnh, giao dịch đất nền có thể bị khựng lại. Nhưng đây là điều cần thiết. Bởi nếu thị trường đất nền phát triển theo hướng tràn lan, tùy tiện để đầu cơ, trục lợi thì sẽ không mang lại lợi ích gì cho sự phát triển của địa phương, của thị trường nhà ở mà còn góp phần tạo nên tình trạng “sốt đất”, “sốt giá ảo”, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định.
Lâm Đồng đề xuất đưa 252 dự án quy mô 30.000ha vào quy hoạch
Theo đó, Sở đề xuất 252 dự án, công trình với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 30.085 ha.
Trong đó, 43 dự án đất ở quy mô 8.484,3 ha tại TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc, huyện Di Linh, Đức Trọng. Đáng chú ý có dự án xây dựng Khu đô thị Liên Khương - Prenn quy mô diện tích 3.500 ha; Khu đô thị phi nôm Thạnh Mỹ quy mô 2.505 ha; Khu đô thị Nam sông Đa Nhim quy mô diện tích 150 ha; Khu dân cư mở rộng phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc 224 ha; Khu dân cư trung tâm thị trấn kết hợp thương mại huyện Di Linh (cánh đồng trước Ủy ban) 200 ha…
3 dự án khu du lịch (KDL) gồm KDL hồ Đại Ninh, huyện Đức Trọng 3.595,4 ha; KDL hồ Prenn, TP. Đà Lạt 1.000 ha; KDL Đan Kia - Suối Vàng, huyện Lạc Dương 3.980 ha.
4 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp là KCN - nông nghiệp Tân Phú, huyện Đức Trọng 328 ha; KCN Phú Bình, huyện Đức Trọng 246 ha; hạ tầng CCN Ka Đô, huyện Đơn Dương 47,2 ha; các CCN khác 635,2 ha.
109 dự án giao thông (18 dự án theo tuyến, 91 dự án theo huyện, thành phố) sử dụng 2.987 ha đất. Trong đó, có dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương quy mô diện tích 1.228 ha; dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương quy mô diện tích hơn 340 ha; xây dựng ĐT.729, huyện Đơn Dương sử dụng 117,6 ha; cải tạo nâng cấp QL37; đường vành đai Hiệp Thạnh - Đông Thanh; cải tạo, nâng cấp QL 27C, tỉnh Khánh Hoà - Lâm Đồng…
TP.HCM siết tín dụng bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng
Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi tới các Tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân TP. HCM tại văn bản số 371/UBND-ĐT ngày 19/4/2022 về việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường BĐS Thành phố ổn định, lành mạnh; Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn: Quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bản động sản.
“Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các TCTD nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung nêu trên”, văn bản nêu rõ.
Hiện tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 2 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực này cũng dần hạ nhiệt, từ mức trên 26% năm 2018, giảm còn 12% năm 2021.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng yêu cầu thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro. Cụ thể, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán…
Bất động sản nghỉ dưỡng “ấm” trở lại nhưng chưa được như kỳ vọng
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, thị trường du lịch đã hoạt động trở lại thông qua việc Chính phủ mở lại đường bay quốc tế từ giữa tháng 3/2022 vừa qua, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, kéo theo đó là kỳ vọng hồi phục của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thị trường này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Số liệu khảo sát thị trường được DKRA Việt Nam công bố mới đây cho thấy, trong quý I/2022 lượng khách du lịch đã tăng trưởng, chủ yếu là khách nội địa. Đơn cử, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc (Kiên Giang) khách nội địa bằng 60 - 80% so với thời điểm trước dịch; nhưng ở Đà Nẵng, Khánh Hòa chỉ bằng 30 - 40%... Đáng chú ý, thời điểm này khách trong nước chủ yếu lựa chọn địa điểm gần nhà, hạn chế di chuyển xa.
Tuy lượng khách tăng trưởng chậm, nhưng phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng lại bắt đầu “ấm” trở lại. Cụ thể, trong quý I/2022 cả nước ghi nhận 12 dự án biệt thự nghỉ dưỡng mở bán, cung cấp ra thị trường 1.020 căn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; đối với sản phẩm shophouse nghỉ dưỡng, có 13 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tăng 14,7 lần so với cùng kỳ.
“Trong quý I/2022 khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại với những diễn biến sôi động của thị trường bất động sản nói chung, nên đà phục hồi của phân khúc bất động sản trở nên rõ nét hơn”, Phó Giám đốc R&D DKRA Việt Nam Võ Hồng Thắng nói.
Mặt bằng giá nhà phố tại Hà Nội tăng mạnh, đạt mức trung bình 323 triệu đồng/m2
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Savills Việt Nam, so với quý IV/2021, tình hình hoạt động phân khúc biệt thự, liền kề, nhà phố quý đầu năm 2022 đã được cải thiện và ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, nguồn cung mới đạt 801 căn, tăng 227% theo quý nhưng vẫn gỉam 15% theo năm, chủ yếu đến từ 2 dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của 3 dự án đang bán. Trong đó, dự án Eurowindow Twin Parks Gia Lâm chiếm 46% nguồn cung mới, còn lại là các dự án tại Hoài Đức, Bắc Từ Liêm và Hoàng Mai.
Nguồn cung sơ cấp đạt 1.513 căn tăng 35% theo quý nhưng gỉam 24% theo năm, được phân bổ đồng đều. Phía Đông Hà Nội (huyện Gia Lâm) chiếm 25%, trong khi phía Tây bao gồm huyện Hoài Đức và quận Hà Đông cũng có 25% nguồn cung sơ cấp. Quận Hoàng Mai tại phía Nam chiếm 22%, trong khi các quận/huyện tại phía Bắc bao gồm Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và Đông Anh có tổng cộng 28% thị phần.
Đáng chú ý, giá bán sơ cấp biệt thự, nhà liền kề, nhà phố đều ghi nhận mức tăng khá mạnh. Theo đó, giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 134 triệu VNĐ/m2, giảm 26% theo quý nhưng tăng 30% theo năm. Giá trung bình nhà liền kề là 185 triệu VNĐ/m2, tăng 8% theo quý và 73% theo năm. Với nhà phố, giá trung bình khoảng 323 triệu VNĐ/m2, tăng 35% theo quý và 79% theo năm.
Kể từ quý III/2021, giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay. Quý IV/2021 ghi nhận giá bán trung bình cao nhất ở mức 381 triệu đồng/m2 đất tại quận Tây Hồ. Tuy nhiên, mức giá này đã bị vượt qua trong quý I/2022 với mức 417 triệu đồng/m2 đất đến từ sản phẩm nhà phố tại quận Hoàng Mai.