Bản tin bất động sản 28/4: Thanh khoản khó khăn khi giá bất động sản tăng cao

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Đồng Tháp duyệt nhiệm vụ quy hoạch hai khu đô thị hơn 550 ha; thanh khoản khó khăn khi giá bất động sản tăng cao; Hải Dương: Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai…

Đồng Tháp duyệt nhiệm vụ quy hoạch hai khu đô thị hơn 550 ha

UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí quy hoạch chung hai khu đô thị mới gồm đô thị mới Mỹ Hòa và đô thị mới Đốc Binh Kiều, tỉnh Đồng Tháp. Hai khu đô thị đều nằm trong khu vực trung tâm xã Mỹ Hòa và xã Đốc Binh Kiều, thuộc huyện Tháp Mười, được quy hoạch theo tiêu chí đô thị loại V. 

Bản tin bất động sản 28/4: Thanh khoản khó khăn khi giá bất động sản tăng cao - Ảnh 1

Quy hoạch chung đô thị mới Mỹ Hòa có phạm vi lập quy hoạch khoảng 255 ha trên tổng diện tích 3.433 ha toàn xã. Khu vực nghiên cứu dự kiến mở rộng trong vùng bán kính 10 - 20 km tính từ trung tâm xã Mỹ Hòa, gồm vùng thị trấn Mỹ An - Trường Xuân và vùng lân cận của huyện Tân Thạnh, Tân Hưng, tỉnh Long An.

Đô thị mới Mỹ Hòa hướng đến mục tiêu là đô thị loại V của xã và trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá xã hội, thương mại dịch vụ của xã Mỹ Hoà.

Quy hoạch chung đô thị mới Đốc Binh Kiều có phạm vi lập quy hoạch khoảng 305 ha trên tổng diện tích 3.345 ha toàn xã. Khu vực nghiên cứu trong vùng bán kính 10 - 20 km tính từ trung tâm xã Đốc Binh Kiều, bao gồm vùng xã Mỹ An - thị trấn Mỹ An, vùng lân cận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và vùng lân cận của huyện Tân Thạnh, Tân Phước, tỉnh Long An.

Đô thị mới Đốc Binh Kiều xác định là đô thị loại V của xã, với tính chất là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội, thể dục thể thao của xã Đốc Binh Kiều và là đô thị kinh tế, thương mại - dịch vụ phía Đông huyện Tháp Mười.

Hai đồ án trên được quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng huyện Tháp Mười gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh việc đảm bảo sự phát triển ổn định các khu chức năng đô thị, hai đồ án còn tạo điều kiện để huy động nguồn đầu tư xây dựng, khai thác hợp lý các yếu tố về thiên nhiên và tính truyền thống, kết hợp giữa cải tạo và xây dựng, trước mắt và lâu dài...

Thanh khoản khó khăn khi giá bất động sản tăng cao

Nhìn chung, giá bất động sản dường như không có dấu hiệu chững lại mà biến động theo chiều hướng liên tục tăng, và thiết lập mặt bằng giá mới. Đáng chú ý, dù giá bán tăng cao nhưng thị trường xuất hiện nghịch lý nhà đầu tư lại chật vật thoát hàng, xuất hiện tình trạng “lãi trên giấy”, giá quá cao nên khó tìm người mua.

Giá bất động sản tăng mạnh ở hầu hết các phân khúc nhưng gặp khó về thanh khoản.
Giá bất động sản tăng mạnh ở hầu hết các phân khúc nhưng gặp khó về thanh khoản.

Báo cáo quý I/2022 của DKRA ghi nhận, ngoại trừ phân khúc đất nền tăng nhẹ 6% lượng tiêu thụ so với quý trước và cùng kỳ 2021, thị trường căn hộ và nhà phố, biệt thự đều gặp khó. Tính cả địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh, chưa đầy 2.600 căn hộ được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm, chỉ bằng 45% quý trước và bằng 59% cùng kỳ năm 2021.

Thậm chí, mức hấp thụ ở thị trường nhà phố, biệt thự chỉ khoảng hơn 430 căn, tương đương 18% quý IV/2021 và bằng 65% cùng kỳ năm ngoái. Thực tế cho thấy, sau thời gian giá đất tăng nóng khoảng 30 - 50%, thậm chí tăng gấp 2 lần, tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, hoặc các tỉnh sốt nóng trong thời gian qua, nhà đầu tư dường như đang bị “mắc kẹt” khi “ôm hàng” giá cao nhưng khó giao dịch, tình hình giao dịch hiện đang có dấu hiệu chững lại, khó tìm người người mua.

Chưa kể trước đó các tín hiệu khó khăn từ thị trường chứng khoán, cùng với việc siết thanh tra dự án, siết thuế chuyển nhượng khiến bất động sản từ từ chững lại và rơi vào thời điểm khó khăn. Khi thị trường gặp khó, giá buộc phải giảm. Hiện tại, giá bất động sản chưa giảm vì kỳ vọng của nhà đầu tư còn lớn, khả năng gồng gánh nợ lãi còn tốt.

Hải Dương: Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai

Tại thị xã Kinh Môn, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, sớm hỗ trợ xây nhà cho người có công; quan tâm, chăm sóc gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cử tri thị xã Kinh Môn cũng đề nghị, các cơ quan nhà nước cần có hỗ trợ thêm cho cán bộ chuyên trách ở cơ sở nhất là đội ngũ trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ bởi khi kiêm nhiệm công việc rất nhiều, vất vả trong khi tuổi thì cao.

Nhiều cử tri cũng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Hải Dương có cơ chế hỗ trợ để tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; khắc phục những bất cập xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp. Một số cử tri cũng đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về thời gian tạm dừng hoạt động ở các bãi ven sông, ngoài đê từ 15/6 đến 15/10 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bến bãi, kinh doanh vật liệu xây dựng…

Cử tri huyện Kim Thành kiến nghị với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Cử tri huyện Kim Thành kiến nghị với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tại huyện Kim Thành, nhiều cử tri cũng quan tâm, đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý những vụ án tham nhũng gây bức xúc trong dư luận thời gian quan và có cơ chế, chính sách bảo vệ những người dám đứng lên tố cáo những hành vi tham nhũng.

Một số cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành yêu cầu Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục, dự án đầu tư…khu công nghiệp Kim Thành để tránh tình trạng quy hoạch treo, người dân không dán đầu tư vào sản xuất. Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản thời gian qua, đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản của nông dân chỉ phụ thuộc vào một số thị trường Trung Quốc, cử tri đề nghị các Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ giới thiệu các mặt hàng nông sản của Hải Dương để tiêu thụ tại các thị trường trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển các thị trường trọng điểm, tiềm năng để có thêm thị trường tiêu thụ mới để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và hạn chế tình trạng bị ép giá, dồn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu….

Một số cử tri kiến nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi, ban hành Luật Đất đai mới sao cho sát với thực tiễn bởi hiện nay, nhiều hộ dân sau khi bị thu hồi đất thì nhận được tiền đền bù quá thấp.

Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

Đó là chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trong chuyến kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông trọng điểm của Đà Nẵng ngày 27/4.

Kiểm tra Dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH2 từ xã Hòa Nhơn đi xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng,  Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đến tận từng điểm, đoạn tuyến còn vướng mắc, khó khăn trong đền bù giải tỏa, thi công chậm tiến độ do địa hình phức tạp, khó xử lý.

Đây là gói thầu thuộc Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng với tổng chiều dài 9 km, do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Dự án do Công ty cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 thi công, kinh phí gần 202 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 10/2018, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mưa bão,  đến nay dự án mới đạt xấp xỉ 80% khối lượng công việc. Trong đó, chủ yếu là ở đoạn đầu tuyến nơi giao với quốc lộ 14G và đoạn cuối tuyến tại nút giao thông ngã ba Hòa Sơn.

Một nhà dân ở Hòa Khương chưa tháo dỡ.
Một nhà dân ở Hòa Khương chưa tháo dỡ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu liên danh nhà thầu Cienco1-Tổng Công ty Trường Sơn và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cam kết bằng văn bản, gửi lãnh đạo thành phố về thời điểm hoàn thành dự án là ngày 30/6 tới. Huyện Hòa Vang sẽ tổ chức hỗ trợ thi công, nếu có đối tượng chống đối thì xử lý theo quy định pháp luật.

KTDU

Tiến Hoàng

Từ khóa: