Quảng Nam sẽ thu hồi dự án nhà ở của công ty STO nếu chây ì hoàn thành
.Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4/2022.
Theo đó, một số người dân trình bày có đặt cọc, góp vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền tại dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc do CTCP Tư vấn Đầu tư nông nghiệp nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO làm chủ đầu tư.
Theo người dân, chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính, chậm triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh mà tập trung nguồn lực thực hiện giai đoạn 3 nhằm tiếp tục huy động vốn thực hiện dự án, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã góp vốn để thực hiện giai đoạn 1 và 2.
Người dân đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư phải ký quỹ thực hiện dự án, có biện pháp, chế tài xử lý để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án, giải quyết quyền lợi của những người có liên quan.
Về vấn đề trên, ông Thanh kết luận, dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành, UBND thị xã Điện Bàn thường xuyên chỉ đạo, làm việc với chủ đầu tư để đôn đốc triển khai thực hiện và giải quyết các vướng mắc liên quan. Nhưng đến nay, dự án vẫn triển khai chưa đảm bảo tiến độ được UBND tỉnh chấp thuận, trong đó có nguyên nhân liên quan đến trách nhiệm, năng lực của chủ đầu tư.
UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Xây dựng chủ trì cùng với UBND thị xã Điện Bàn, các ngành có liên quan rà soát, báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án và giải quyết, trả lời dứt điểm các nội dung kiến nghị, vướng mắc của chủ đầu tư (đã ban hành Thông báo số 129/TB-UBND ngày 20/4/2022 để chỉ đạo triển khai thực hiện).
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của chủ đầu tư dự án. Việc ký quỹ của dự án được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Những lực đẩy khiến giá bất động sản tăng mạnh
Theo Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam quý I/2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều rủi ro, đặc biệt sau những biến cố bất ngờ về địa chính trị, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường thu hút mạnh dòng tiền.
Cụ thể, trong quý I bất động sản đã vươn lên vị trí số 2 về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt gần 600 triệu USD (tính chung cả năm 2021 bất động sản đứng vị trí thứ 3). Đồng thời, giá trị M&A (mua bán và sáp nhập) bất động sản của quý I/2022 cao nhất 5 năm (theo báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield).
Lý giải về những diễn biến tương đối tích cực trong việc thu hút dòng tiền của thị trường bất động sản trong quý I/2022, Báo cáo của VARS nhận định đó là sự hội tụ của bốn yếu tố gồm: hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư công, triển khai gói hỗ trợ và nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Đường cao tốc cũng như các cung đường kết nối, sân bay... đang tạo ra diện mạo mới cho đất nước. Trong cơ cấu giá trị bất động sản, cơ sở hạ tầng đóng vai trò đáng kể, bên cạnh giá trị nội tại của bất động sản đó.
Thứ hai, là việc đẩy mạnh đầu tư công được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Theo đó, chỉ tính riêng báo cáo của Bộ Giao thông vận tải trong quý I/2022 đã giải ngân gần 7.500 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng quan trọng trên cả nước.
Thứ ba, gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng trong đó gần 114.000 tỷ đồng dành cho các dự án hạ tầng, 110.000 tỷ đồng dành cho các chính sách ưu đãi các doanh nghiệp sẽ tạo động lực tổng hợp giúp nền kinh tế sớm phục hồi, cải thiện sức mua người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Theo Vars động lực thứ tư, hiện nay Việt Nam được đánh giá là quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tình hình chính trị, xã hội ổn định trong một thời gian dài, tạo nên sức cạnh tranh đáng kể của nền kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có mảng bất động sản tăng trưởng đều đặn trong thời gian qua là một minh chứng rõ rệt.
Cụ thể, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay được đánh giá là năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á khi duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15% mỗi năm.
Bên cạnh đó, bất động sản cũng được dự báo là tiếp tục duy trì triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.
Hàng nghìn hộ dân khốn khổ vì dự án “treo”
Khu đất trên thuộc dự án KĐT Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, huyện Thạch Thất và một phần huyện Quốc Oai. Đây là một trong những dự án KĐT rộng nhất miền Bắc tính đến thời điểm hiện tại. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, khởi công ngày 1/1/2007. Ngoài dự án KĐT Tiến Xuân, Sudico còn được nhắc đến là chủ sở hữu của nhiều dự án đang trong tình trạng dở dang như: Khu nhà ở Văn La, KĐT Nam An Khánh...
Huyện Mê Linh là huyện đang đứng đầu về số dự án bỏ hoang tại Hà Nội với 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445 ha và 3 dự án đầu tư phát triển kinh tế khác. Sau khi điều chỉnh quy hoạch phân khu, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt cho 29/47 dự án bất động sản chậm triển khai tại huyện Mê Linh.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, các dự án chậm triển khai có nguyên nhân từ công tác quản lý. Công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu còn lại để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các mô hình đô thị hiện đại, đồng bộ, có chất lượng cuộc sống cao. Ông Nghiêm đánh giá việc thu hồi các dự án “treo” là không dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng cần có sự cương quyết của chính quyền.
Đối với các dự án đã thành hình, thu tiền của người dân rồi “bỏ trốn”, các chuyên gia cho rằng, theo Luật Đất đai, các chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ về đầu tư, vi phạm về thời gian, tiến độ dự án sau 24 tháng thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền thu hồi dự án và cả tài sản trên đất. Để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, cần phải thu hồi dự án và giao cho nhà đầu tư mới thay thế. Lúc này quyền lợi của người mua nhà đã góp tiền vào dự án sẽ đảm bảo bằng các phương thức khác nhau.
Quản lý đất đai tốt sẽ củng cố lòng tin của nhân dân
Tại Nghị quyết số 19 - NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra những đánh giá, nhận định về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn trước đó.
Tuy nhiên, một số đánh giá tại Nghị quyết 19 về tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp...
Vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai cũng là nguyên nhân khiến chúng ta mất số lượng lớn cán bộ trong thời gian qua, kể cả cán bộ ở cấp cao. Đây là một điều rất đau xót.
Do đó, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 về đất đai lần này là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Đặc biệt, sẽ tạo cơ sở chính trị để sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan, "bịt" được những lỗ hổng, góp phần sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, củng cố thêm lòng tin với người dân.
Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật để bảo đảm lợi ích của người dân có đất bị thu hồi được đặt trong mỗi dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Lợi ích ở đây là lợi ích lâu dài. Người dân không chỉ dừng ở vị trí là người bán đất, mà ở vị trí tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Chúng ta cần coi mỗi người dân là một cổ đông của dự án triển khai trên diện tích đất bị thu hồi đó. Bởi, ở nước ta, đất đai không chỉ là đất ở đơn thuần mà còn là công cụ sản xuất, thậm chí là công cụ sản xuất được ông bà để lại cho bố mẹ, bố mẹ để lại cho con cháu. Đó là công cụ mưu sinh của nhiều người dân chứ không chỉ là một loại hàng hóa thuần túy.
Hôm qua, khi còn đất, người dân có thể canh tác nông nghiệp và có thu nhập duy trì cuộc sống. Nhưng sau khi đất thu hồi, nông dân rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập, vì không kịp học nghề mới, thậm chí có những người quá tuổi để đào tạo nghề. Nếu các địa phương không chú ý giải quyết thấu đáo vấn đề này sẽ đẩy họ đến chỗ cùng cực, gây bất công xã hội, có nguy cơ gây bất ổn xã hội, an ninh trật tự.
Do vậy, khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19, tôi tin tưởng và kỳ vọng Trung ương sẽ nhìn rõ nguyên nhân, cũng như tìm ra giải pháp căn cơ để khắc phục những vấn đề nêu trên.
Phê duyệt đề án xây dựng và phát triển TP. Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm vùng Bắc Trung bộ
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải vừa ký Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 5/5/2022 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu tổng thể của đề án là đến năm 2025, xây dựng đô thị TP. Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 là một đô thị tỉnh lỵ có kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các khu vực đô thị và nông thôn trong toàn tỉnh, trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ.
Về nhiệm vụ trọng tâm, mở rộng không gian đô thị có quy mô phù hợp gắn với việc điều chỉnh quy hoạch chung; tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững.
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất, tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trở thành một trong những đô thị có mức tăng trưởng kinh tế cao của vùng Bắc Trung bộ; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng -an ninh để trước mắt đảm nhiệm tốt chức năng vùng tỉnh, hướng tới tạo sức lan tỏa đến các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
UBND tỉnh giao UBND thành phố cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án thành kế hoạch, chươngtrình hành động; rà soát các hạng mục, công trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên đảm bảo phù hợp với khả năng cânđối nguồn lực.
Phối hợp với Sở Xây dựng hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hà Tĩnh và vùng phụ cận; phối hợp Sở Nội vụ và cơ quan liên quan lập hồ sơ đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng; nhằm đáp ứng nhu cầu đất ở của người dân, góp phần chỉnh trang đô thị…
Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cùng phối hợp, hỗ trợ UBND thành phố các hồ sơ, thủ tục về quản lý nhà nước; tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chỉ đạo, chính sách thực hiện đề án theo đúng quy định của pháp luật.