Bản tin bất động sản 7/5: Dòng tiền tiếp tục chảy vào bất động sản, phân khúc nào sẽ tăng giá?

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Đề xuất phạt 50% giá trị đất trúng đấu giá nếu tự ý hủy kết quả; dòng tiền tiếp tục chảy vào bất động sản, phân khúc nào sẽ tăng giá?; gỡ vướng pháp lý cho nhà ở xã hội trong dự án thương mại tại TP.HCM

Đề xuất phạt 50% giá trị đất trúng đấu giá nếu tự ý hủy kết quả

Cụ thể, Dự thảo Nghị định yêu cầu cụ thể về tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện như: phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất phạt 50% giá trị đất trúng đấu giá nếu tự ý huỷ kết quả/Ảnh minh họa
Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất phạt 50% giá trị đất trúng đấu giá nếu tự ý huỷ kết quả/Ảnh minh họa

Đặc biệt không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

Cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng phải có đủ các điều kiện như trên.

Về khoản tiền đặt trước, Dự thảo đề xuất do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.

Đặc biệt, người trúng đấu giá không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không bồi thường.

Gỡ vướng pháp lý cho nhà ở xã hội trong dự án thương mại tại TP.HCM

Theo đó, đối với các dự án quy mô sử dụng đất dưới 10ha mà trong văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thể hiện hình thức thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội, thì chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định trong văn bản đã ban hành.

Đối với dự án mà trong văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa rõ hình thức thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội thì giao Sở Xây dựng mời các chủ đầu tư để làm việc, tham mưu cho UBND TP. HCM có văn bản xác định rõ và thống nhất 1 trong 3 hình thức thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội tại dự án theo quy định pháp luật.

TP. HCM gỡ vướng pháp lý cho nhà ở xã hội trong dự án thương mại/Ảnh minh họa
TP. HCM gỡ vướng pháp lý cho nhà ở xã hội trong dự án thương mại/Ảnh minh họa

Đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên, khi tham mưu UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần hướng dẫn nhà đầu tư xác định rõ hình thức thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội đối với dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở và được thể hiện trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trường hợp chủ đầu tư bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án: việc xác nhận hoàn thành được thực hiện thông qua biên bản bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố (Sở Tài nguyên - Môi trường) chủ trì.

Trường hợp chủ đầu tư bàn giao quỹ nhà ở xã hội tương đương với giá trị quỹ đất thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án: việc xác nhận hoàn thành được thực hiện thông qua biên bản bàn giao quỹ nhà ở xã hội của chủ đầu tư cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) chủ trì.

Trường hợp chủ đầu tư bàn giao quỹ nhà ở xã hội tương đương với giá trị quỹ đất thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án: việc xác nhận hoàn thành được thực hiện thông qua biên bản bàn giao quỹ nhà ở xã hội của chủ đầu tư cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) chủ trì.

Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP có trách nhiệm thu tiền và thông tin lại kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính theo từng nội dung đã được xác định giá, để Sở Tài nguyên - Môi trường có cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế TP thống kê, tổng hợp số liệu về nguồn tiền thu được từ việc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền mặt tương đương giá trị quỹ đất 20%. Báo cáo UBND TP hàng quý, hàng năm để nguồn tiền thu được này để bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội.

Dòng tiền tiếp tục chảy vào bất động sản, phân khúc nào sẽ tăng giá?

Theo kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report về mức biến động giá trung bình trong năm 2022 cho thấy đất nền là phân khúc có khả năng tăng giá cao nhất; phân khúc đất nền, đất nông nghiệp, nhà ở và chung cư giá rẻ có khả năng cao tăng giá trong khoảng 11 - 20%. Các phân khúc bất động sản ven đô, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư trung cấp, văn phòng cho thuê có thể tăng trung bình từ 5 - 10% so với năm trước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước tình trạng sốt đất trong năm 2021, các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report nhận định trong năm 2022, tình trạng sốt đất vẫn có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhưng với xác suất thấp hơn.

Nguyên do là hiện tại các thông tin về quy hoạch, hạ tầng vẫn mang nặng tính đồn đoán và việc thổi giá bất động sản bằng các chiêu thức thiếu lành mạnh vẫn chưa có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, sốt đất không chỉ do những nguyên nhân nói trên, nó có thể là kết quả của những chính sách vĩ mô, quy hoạch tổng thể chính thức từ chính quyền...

Về triển vọng thị trường bất động sản và các phân khúc bất động sản trong quý II/2022, khảo sát của batdongsan.com.vn dự báo xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.

Sự phục hồi của phân khúc bất động sản nhà ở được thúc đẩy từ cả hai yếu tố cung và cầu, cộng hưởng với mặt bằng lãi suất thấp, pháp lý được nới lỏng và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với một trong những mục tiêu của chiến lược là phát triển các sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của người có thu nhập thấp và trung bình. Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố những dự án mới, hứa hẹn những tín hiệu tích cực cho nguồn cung nhà ở giá rẻ từ nay đến cuối năm, mặc dù lượng cung này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân.

Phân khúc bất động sản công nghiệp có nhiều yếu tố thuận lợi từ vị trí địa lý, quỹ đất cho khu công nghiệp lớn, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam do tác động của các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, môi trường kinh tế - chính trị ổn định và lợi thế cạnh tranh khi giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Những yếu tố này sẽ tạo lực đẩy phát triển và sức hấp dẫn đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp trong quý II/2022. 

Tìm biện pháp 'giải cứu' bất động sản du lịch

“Mặc dù đã có khung pháp lý cơ bản nhưng chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản (BĐS) du lịch vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn, có chỗ thiếu thống nhất, chưa đồng bộ, đang gây lúng túng cho công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS ở các địa phương và là điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc BĐS du lịch”. TS Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đặt vấn đề như trên tại hội thảo “Thị trường BĐS du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 6-5 tại Khánh Hòa.

Khu vực Bãi Dài, tỉnh Khánh Hòa có nhiều dự án bất động sản du lịch. Ảnh: CTV
Khu vực Bãi Dài, tỉnh Khánh Hòa có nhiều dự án bất động sản du lịch. Ảnh: CTV

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng bộ môn Luật đất đai và kinh doanh BĐS ĐH Luật Hà Nội, sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của hàng loạt dự án BĐS du lịch thời gian qua đã để lại những hệ lụy cho thị trường BĐS du lịch. Trong khi đó, pháp luật điều chỉnh đối với thị trường cũng bộc lộ nhiều khoảng trống. Nhiều vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, đang bị bỏ ngỏ, làm mất niềm tin của khách hàng, sự an toàn của các chủ thể tham gia thị trường không được đảm bảo.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nói hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS du lịch đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung áp dụng cho hoạt động kinh doanh BĐS du lịch và các quy định liên quan khác, ít nhất là năm luật liên quan. Hệ thống pháp lý căn bản cao nhất gồm các luật Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh BĐS, Nhà ở, Du lịch.

TS Lực cho rằng việc chịu sự quản lý của khá nhiều luật chuyên ngành nhưng có năm điểm chưa được, gây thách thức đối với loại hình BĐS này. Đó là chưa được định danh, chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (GCN), chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế…

Việc vận dụng các quy định pháp lý của các lĩnh vực khác nhau dẫn tới sự thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ trong áp dụng của các cơ quan nhà nước, địa phương. Từ đó gây ra sự lúng túng trong quá trình xử lý công việc. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phức tạp do phải đối mặt các quy trình, thủ tục chưa rõ ràng. Các tổ chức tín dụng gặp rủi ro trong quá trình tham gia tài trợ vốn cho đầu tư phát triển BĐS du lịch…

KTDU

Tiến Hoàng

Từ khóa: