Đưa nông sản vùng ĐBSCL lên nền tảng số
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức và kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho hơn 100 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp khu vực ĐBSCL.
Tại hội thảo, lãnh đạo HTX nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, HTX đang phát triển mô hình trồng nhãn quy mô lớn của thành phố, với sản lượng hàng năm trung bình từ 350 – 400 tấn. Sản phẩm của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP thế nhưng đầu ra lại gặp nhiều khó khăn.
“Bán hàng trên nền tảng số thì sản phẩm của HTX sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều khách hàng và đầu ra mạnh hơn. Hiện nay, HTX chủ yếu bán hàng thông qua thương lái nên đầu ra không ổn định”, ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX đến với buổi tập huấn với mong muốn có thêm một số kiến thức và thử sức tiếp cận nền tảng số của Grab Việt Nam.
Theo thông tin từ Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có hơn 25.000 HTX, trong đó có trên 17.000 HTX nông nghiệp. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và phù hợp trong bối cảnh cả nước đang hướng tới nền kinh tế nông nghiệp và tất nhiên HTX và bà con nông dân là trọng tâm không thể đứng ngoài cuộc.
Sản lượng vải thiều Bắc Giang dự kiến giảm 16%
Theo Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay, với sản lượng ước tính đạt 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20/5 - 20/7.
Mặc dù vậy, nếu so với năm 2021, sản lượng vải thiều giảm khoảng 16%, theo số liệu của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang.
Năm nay, vải thiều Bắc Giang dự kiến được tiêu thụ 108.000 tấn (60%) tại thị trường trong nước thông qua các hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, các chợ đầu mối trong và cả nước. Số còn lại là 72.000 tấn (40%) tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tỷ lệ cơ cấu thị trường tiêu thụ này tương đương so với năm ngoái. Đáng chú ý, Trung Quốc tiêu thụ tới 90% lượng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu năm 2021.
Hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách Zero COVID do đó, việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, năm nay, vải thiều tiếp tục được đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ sẽ hợp tác với các bên liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho nông sản trên thị trường trong nước.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm ngoái, tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng (tương đương với năm có doanh thu cao nhất).
Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng.
Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản giữ vững phong độ, thặng dư hơn 5 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó xuất khẩu đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 17%; nhập khẩu ước khoảng 18,1 tỷ USD, không biến động so với cùng kỳ năm 2021; xuất siêu 5,1 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 18% so với tháng 5/2021 và tăng 4% so với tháng 4/2022.
Tính chung 5 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kuf năm 2021.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 8%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46%; chăn nuôi ước đạt 139 triệu USD, giảm 16%; các sản phẩm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 59%.
Trong 5 tháng đầu năm, có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất.
Hỗ trợ đào tạo tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử
Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đến tháng 12/2021, có 70% hộ sản xuất nông nghiệp của địa phương được đào tạo, tập huấn kỹ năng số.
Việc hỗ trợ các hộ nông dân đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm thiết lập các điểm tập kết, bố trí các điểm trung chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu (cố định, lưu động) có kiểm soát an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm nguồn cung và phân phối kịp thời cho người dân trên địa bàn.
Đồng thời, góp phần bảo đảm vận chuyển, lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội. Từ đó, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh và đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel.
Tỉnh Thừa - Huế đặt mục tiêu đến tháng 12/2021, có 70% hộ sản xuất nông nghiệp của địa phương được đào tạo, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; 50% hộ có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn thương mại điện tử, có tài khoản thanh toán điện tử và có sản phẩm được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
Đến tháng 12/2022, có 100% hộ sản xuất tham gia hoạt động trên môi trường số; có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn thương mại điện tử...