Bản tin nông sản 1/7: Gạo ST25 thâm nhập thị trường Nhật Bản

Những nội dung đáng chú ý về nông sản có trong bản tin hôm nay: Mở rộng quy mô ông sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; vải thiều không hạt Bắc Giang hứa hẹn “bùng nổ”; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào...

Gạo ST25 thâm nhập thị trường Nhật Bản

Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 30-6 tại Tokyo đã diễn ra sự kiện quảng bá và lần đầu tiên chính thức bày bán sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

 Bản tin nông sản 1/7: Gạo ST25 thâm nhập thị trường Nhật Bản - Ảnh 1

Theo đó, lần đầu tiên gạo Việt Nam được bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản; phổ biến thông tin rộng rãi đến cộng đồng người Việt Nam tại Nhật nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này. Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương giữa doanh nghiệp hai nước và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023.

Đại diện nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam và đại diện nhà nhập khẩu phía Nhật Bản đã giới thiệu cụ thể về quy trình sản xuất và đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào bày bán tại thị trường Nhật Bản. Các bên cũng công bố thông tin 100 tấn gạo ST25 được mở bán chính thức tại Nhật Bản và dự kiến sản lượng gạo nhập khẩu trong tương lai.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản vẫn là nước có sự bảo hộ ở mức cao đối với nền nông nghiệp nội địa. Gạo cũng là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Mở rộng quy mô ông sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

 Bản tin nông sản 1/7: Gạo ST25 thâm nhập thị trường Nhật Bản - Ảnh 2

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới 7,61 tỷ USD, thị trường này chiếm 27,3% trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022. Hoa Kỳ cũng đã vượt xa Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ với kim ngạch nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỷ USD (chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu của nông lâm thủy sản Việt Nam).

Trong số các nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản, Hoa Kỳ đang mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây của Việt Nam. Trong đó, riêng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông sản sang Hoa Kỳ trong nửa đầu năm nay.

Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ kể từ năm 2020. Trong năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 28,1% so với năm 2020. Từ con số tăng trưởng ấn tượng này có thể thấy, đồ gỗ chế biến là sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam và rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng đang là thị trường mua nhiều nhất hạt điều của Việt Nam, với 75 nghìn tấn điều nhân chế biến, trị giá khoảng 450 triệu USD. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với tăng trưởng kim ngạch 6 tháng đầu năm nay lên tới 51,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 129 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đứng thứ nhất trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt tới 1,17 tỷ USD trong nửa đầu năm.

Vải thiều không hạt Bắc Giang hứa hẹn “bùng nổ”

Vải thiều là một loại quả đặc trưng của mùa hè miền Bắc, được trồng ở nhiều nơi nhưng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là nổi tiếng nhất. Quả vải ở đây khác hẳn với những nơi khác, dòng chính phẩm có vị ngọt thanh, quả không quá to nhưng hạt chỉ bằng đầu đũa con.

 Bản tin nông sản 1/7: Gạo ST25 thâm nhập thị trường Nhật Bản - Ảnh 3

Sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, năm nay Bắc Giang đã có một số cây vải thiều không hạt cho quả to, màu sắc đẹp, cùi dày và có vị ngọt, giòn đặc trưng. Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công vải thiều không hạt.

Năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn, trong đó, vải thiều sớm khoảng 6.750 ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 21.250 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn. Vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP tiếp tục mở rộng, chiếm hơn 80% sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài thị trường trong nước, tỉnh chú trọng tới các thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, tập trung chỉ đạo sản xuất đối với 149 mã số vùng trồng, diện tích 15.867 ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn.

Đối với thị trường Nhật Bản và thị trường khác, tổng số mã số vùng trồng năm nay lên 35 mã, diện tích 269,45 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn. Đối với thị trường Mỹ, Australia, EU, duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha; sản lượng ước đạt khoảng 1.600 tấn.

Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, tương thích với yêu cầu hội nhập.

 Bản tin nông sản 1/7: Gạo ST25 thâm nhập thị trường Nhật Bản - Ảnh 4

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2022” và Ngày An toàn thực phẩm Thế giới 7/6/2022 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Tiến Hoàng

Từ khóa: