Giá lúa giảm ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long
Tại Hậu Giang, nhiều loại lúa cũng có giá giảm như: IR 50404 giảm 100 đồng/kg, còn 6.500 đồng/kg; OM 18 giảm 300 đồng/kg, còn 6.800 đồng/kg; riêng RVT là 8.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa cũng có sự điều chỉnh giảm đối với các loại lúa như IR 50404, OM 5451, OM 18 và Nàng Hoa 9.
Cùng với xu hướng giảm của thị trường, giá nếp cũng có thay đổi. Theo đó, nếp Long An (tươi) giảm 100 đồng/kg, hiện có giá là 6.100 - 6.200 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, giá lúa IR 40404 vẫn ở mức 6.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg. Lúa IR 50404 tại Đồng Tháp là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Riêng giá lúa tại Bến Tre lại ghi nhận sự phục hồi nhẹ trở lại như: OM 5451 là 5.800 đồng/kg, tăng100 đồng/kg; OM4218 là 5.800 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; OM 6976 ở giá 5.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; riêng IR 50404 ổn định ở mức 5.700 đồng/kg. Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè thu 2022 đến nay, Nam Bộ đã gieo cấy 1.555.457 ha/1.575.334 ha, đạt 99% so với kế hoạch; đồng thời các địa phương cũng đã thu hoạch 467.854 ha, 30% diện tích.
Toàn vùng cũng đã gieo cấy được 301.600 ha/472.328 ha lúa Thu Đông, chiếm 64% so với kế hoạch.
Nông sản Việt bị kiểm tra gắt gao khi vào thị trường EU
Văn phòng SPS Việt Nam mới đây tiếp tục nhận được cảnh báo của EU về một số sản phẩm mỳ ăn liền xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Trong đó, Đức gửi cảnh báo mỳ ăn liền hương vị gà, cà ri của Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu vì có chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.
Còn Malta gửi cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia do xác định nguyên liệu sản xuất loại bánh phở này từ gạo biến đổi gen.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, đang kiểm tra, xác minh với lô hàng của doanh nghiệp bị Đức cảnh báo có tỷ lệ EO vượt ngưỡng cho phép. Nhưng nhiều khả năng lô này xuất khẩu từ năm ngoái - thời điểm các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.
Từ ngày 13/6, EU bỏ các loại bún, miến, phở dạng khô không có gia vị đi kèm ra khỏi danh mục sản phẩm chịu kiểm soát đặc biệt về EO. Tuy nhiên, mỳ ăn liền từ Việt Nam trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia vẫn chịu tần suất kiểm tra 20% và phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khi xuất sang thị trường này.
Không chỉ mỳ ăn liền, nhiều nông sản khác của Việt Nam như rau quả tươi, gạo… cũng là nhóm hàng chịu kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu vào EU.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển vừa khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng cần lưu ý về việc EU đang tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu (MR).
Theo quy định EU 2022/741 mới ban hành, các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra là cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…
Các nước không thuộc EU (như Na Uy, Iceland) cũng đang tăng cường kiểm tra theo quy định này. Cơ quan thương vụ nhấn mạnh, gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu bị kiểm tra nhiều nhất. Trong đó, Hexaconazole (chất để tiêu diệt nấm) và Tricyclazole (trừ bệnh đạo ôn) thường vượt ngưỡng trong các sản phẩm vi phạm.
Ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước sẽ lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ. Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Chia sẻ thông tin điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc, Tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết, trong chính sách nhập khẩu Trung Quốc mới ban hành, nước này không nhắc đến việc tạm dừng nhập khẩu đối với những lô hàng thủy hải sản đông lạnh nếu phát hiện dịch Covid-19.
Đáng lưu ý, nước bạn không kiểm tra với DN khi có hàng bị dính Covid-19 mà chỉ tập trung kiểm tra đầu nguồn. Quy định này có thể tạo đà cho thuỷ sản và trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề và DN để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước. Từ đó, giúp các ngành, địa phương, DN xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Do vậy, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại nhằm đồng hành, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu cần được Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng triển khai.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ DN kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn. Đặc biệt hỗ trợ DN, địa phương trong nước xuất khẩu hiệu quả các loại nông sản có tính mùa vụ cao.
Đối với các hiệp hội ngành hàng, DN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội thị trường. Song song với đó, tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, những yêu cầu của thị trường nhập khẩu và cam kết của hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Nuôi thủy sản xuất khẩu theo quy hoạch vùng tập trung
Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển, với các cửa sông lớn: Soài Rạp trên sông Vàm Cỏ và Cửa Tiểu, Cửa Đại của hệ thống sông Tiền, có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị chế biến xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho bà con những địa bàn khó khăn.
Tiền Giang chú trọng khai thác tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu ven biển Gò Công theo hướng quy hoạch các vùng nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.Đồng thời, đa dạng hóa mô hình nuôi và đối tượng nuôi phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng từng nơi, gắn kết phát triển nuôi trồng thùy sản với du lịch sinh thái biển…Từ đó, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, giúp các huyện ven biền tăng trưởng một cách ổn định và vững chắc.
hiện nay, hai huyện ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang: Gò Công Đông, Tân Phú Đông được xác định là vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ chủ lực của tỉnh Tiền Giang với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao: tôm sú, tôm thẻ, nghêu, các loại thủy sản khác. Tùy theo thực tế từng địa bàn như: nuôi thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông); nuôi quảng canh cải tiến, nuôi theo mô hình tôm – lúa ở huyện Tân Phú Đông; nuôi nghêu, nuôi sò huyết ở khu vực Cửa Tiểu và Cửa Đại (huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nếu như trước năm 2017, khu vực ven biển Gò Công nông dân chủ yếu nuôi tôm trong ao đất, sử dụng dàn quạt để tạo oxy, diện tích ao nuôi khá lớn, trung bình từ 3.000 – 4.000 m2/ao, khiến việc quản lý ao nuôi gặp nhiều rủi ro thì hiện nay, các mô hình nuôi tôm thâm canh 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm bằng vi sinh, mô hình biofloc… được khuyến khích áp dụng thay thế cho mô hình nuôi truyền thống. Từ đó, mở ra cuộc cách mạng khoa học mới trên lĩnh vực nuôi thủy sản nước lợ, mặn xuất khẩu, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nuôi.