Cải thiện môi trường vùng nông thôn
Trồng trọt, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường là tình trạng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhờ các mô hình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch.
Theo đại diện Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, để từng bước cải thiện cảnh quan môi trường vùng nông thôn, năm 2016, Hội Nông dân tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường đã ký kết chương trình liên tịch giai đoạn 2016 - 2020. Sở Tài nguyên - Môi trường hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân; tổ chức lễ phát động thu gom và lắp đặt bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y tại các vùng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các địa phương thực hiện tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường, cảnh quan môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về bảo vệ môi trường. Cần duy trì thường xuyên hoạt động thu gom và xử lý chất thải các loại, trồng cây xanh cải tạo cảnh quan. Việc làm này cần phải có thời gian, nguồn kinh phí và sự đồng tình của nhân dân.
Tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản
Theo thông tin sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỷ trọng ngành trồng trọt đạt 43,27% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, xuất khẩu 11,37 tỷ USD, chiếm 40,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 ước 3,52 triệu tấn, tăng 16,2%, kim ngạch 1,72 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2021. Mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.
Đây là tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, vì theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm.
Theo nhận định của Cục Trồng trọt, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine đẩy chi phí logicstic, giá xăng dầu, phân bón và nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây áp lực lên ngành trồng trọt.
Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước đối với các nguyên liệu đầu vào, để ngành chủ động sản xuất, hạn chế thiệt hại; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả…
"Các địa phương cần chủ động sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực, nhận diện những khó khăn về thời tiết bất thường, giá vật tư đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga – Ukraine, để thích ứng và linh hoạt sản xuất", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Với việc xuất khẩu nông sản chủ lực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga, nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy ngành hàng này phát triển tốt.
Bến Tre lập trung tâm giống, hoa kiểng lớn nhất nước
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cho biết tỉnh đang hoàn tất thủ tục đề án xây dựng Trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia tại huyện Chợ Lách. Đề án có tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng, triển khai từ nay đến năm 2025.
Mục tiêu của đề án nhằm sản xuất cây giống đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2025, địa phương sẽ đảm bảo cung ứng ổn định cho thị trường 17-20 triệu cây giống; cung cấp 40% giống cây ăn trái cho cả nước, nhà vườn sẽ đạt lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng mỗi ha một năm. Với hoa kiểng, huyện sẽ có 370 ha mai vàng, hoa giấy, sản lượng 1,3-3,8 triệu cây, thu lợi nhuận trên 900 tỷ đồng.
Chợ Lách được chọn để xây trung tâm hoa kiểng do đây là huyện duy nhất của tỉnh có nguồn nước ngọt gần như quanh năm. Đây cũng là nơi sản xuất giống cây trồng lớn nhất nước với diện tích hơn 1.500 ha, trên 7.500 hộ sản xuất, mỗi năm cung ứng từ 15-18 triệu cây giống các loại như sầu riêng, xoài, mít...
Thế khó của doanh nghiệp gạo
Ở đầu ra tiêu thụ, ngành gạo đang chịu tác động lớn bởi chi phí vận chuyển tăng cao. Nhiều doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu, tuy nhiên kênh này chưa chắc chỉ toàn quả ngọt. Lãnh đạo Angimex cho rằng xuất khẩu gạo vào thị trường châu Á có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao, chi phí logistic tăng mạnh.
Riêng cước phí vận chuyển, Công ty Trung An từng cho biết đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp này không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm trước. Cụ thể, cước vận chuyển trong châu Á tăng hơn gấp đôi, cước chuyển hàng đi châu Âu cũng tăng đến 3 lần trong năm ngoái.
Kênh tiêu thụ trong nước cũng đối mặt với thế gọng kìm tương tự. Ông Dư Phúc Thịnh - Quản lý kênh bán hàng hiện đại của Công ty TNHH Gạo Hoa Sen (Lotus Rice), cho biết sức mua thị trường đã giảm 15-20% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng không còn tâm lý tích trữ nhu yếu phẩm như thời điểm giãn cách xã hội.
Ở mảng xuất khẩu, số liệu sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khoảng 2,86 triệu tấn gạo, tương đương 1,39 tỷ USD. Thời gian qua, giá gạo Việt Nam giảm nhưng luôn duy trì ở mức cao hơn các nước khác từ 3-16%.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam trước đó dự đoán, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Giữa năm là thời điểm thị trường thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và nhiều doanh nghiệp cũng đã chốt được đơn xuất khẩu lên đến hàng nghìn tấn.