Bản tin nông sản 19/7: Nâng cao chất lượng đặc sản, nông sản

Thường Tín phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; lan tỏa đặc sản ngon, sạch của Cao Bằng; quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường những tháng cuối năm...sẽ là những thông tin đáng chú ý có trong bản tin hôm nay.

Nâng cao chất lượng đặc sản, nông sản

Bản tin nông sản 19/7: Nâng cao chất lượng đặc sản, nông sản - Ảnh 1

Để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh với các sản phẩm đặc sản chủ lực như: Gạo nếp Tú Lệ, các sản phẩm chè, cam, mật ong, ba ba gai, măng sặt, các sản phẩm từ quế…

Đồng thời thành lập các hợp tác xã, tổ, nhóm liên kết xây dựng nhãn hiệu nông sản hàng hóa; hỗ trợ nông dân kỹ thuật thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các vùng chuyên canh thì việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương đang là lợi thế để tăng sức cạnh tranh, tính độc quyền của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2020 - 2022, huyện Văn Chấn đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lập hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 3 sản phẩm nông sản đặc sản gồm: Chỉ dẫn địa lý “Cam Văn Chấn”; Chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể “Mật ong Văn Chấn” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ.

Thường Tín phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP

Bản tin nông sản 19/7: Nâng cao chất lượng đặc sản, nông sản - Ảnh 2

Trên diện tích canh tác 22ha, những năm qua, Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi (huyện Thường Tín) tập trung gieo trồng các loại rau theo hướng an toàn và tiêu chuẩn VietGAP. Với sự quan tâm của TP Hà Nội và huyện Thường Tín, xã Hà Hồi đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, hệ thống cấp nước sạch và hoàn thiện giao thông nội đồng phục vụ cho việc sản xuất.

Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi Từ Đức Toàn cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 15 - 20 tấn rau các loại và mộc nhĩ, nấm sò; các sản phẩm đều đã được chứng nhận đạt từ 3 - 4 sao OCOP.

Cùng với thương hiệu được chứng nhận, hợp tác xã mở rộng bắt tay với hệ thống phân phối, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội. Nhờ đó đến nay, các sản phẩm rau, mộc nhĩ, nấm sò của hợp tác xã tiêu thụ khá thuận lợi.

Tại huyện Thường Tín, những mô hình như của Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi đang ngày một phổ biến. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với các chuỗi liên kết được địa phương đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao giá trị cho nông sản.

Lan tỏa đặc sản ngon, sạch của Cao Bằng

Sinh ra tại Hà Nội và lớn lên ở Thái Nguyên, chị Chu Thanh Tú lại bén duyên với đất Cao Bằng. Chia sẻ về "cuộc hành trình" này, Chu Thanh Tú cho rằng, có lẽ Cao Bằng là điểm đến định mệnh của chị.

Bản tin nông sản 19/7: Nâng cao chất lượng đặc sản, nông sản - Ảnh 3

Chị Tú chia sẻ: "Cao Bằng có nhiều sản phẩm ngon, sạch do chính bàn tay của người dân bản địa làm ra mà bị hạn chế đầu ra, không phổ biến đến người tiêu dùng. Trong khi đó, nông dân còn nhiều khó khăn, mới chỉ tập chung kiếm sống bằng nông nghiệp mà chưa nghĩ đến làm giàu. Vì thế, tôi mong muốn phát huy giá trị sản phẩm bản địa, tạo cơ hội cho những người dân nơi đây phát triển kinh tế".

Nung nấu ý định làm kinh tế từ sản phẩm bản địa, chị Tú nghiên cứu và nhận thấy Cao Bằng có nguồn nông sản được thiên nhiên ưu đãi như miến dong, thạch đen, nấm hương rừng, đỗ, lạc… mang hương vị đặc trưng mà chẳng nơi nào có được. 

Chị Tú khẳng định, để có sức lan tỏa như ngày hôm nay, chị đã kiên định với chủ trương kích cầu hàng tiêu dùng chất lượng, không để sản phẩm biến tướng theo hình thức thương mại quá đà. Chính vì vậy, "chất" Cao Bằng vẫn thấm đẫm trong mỗi sản phẩm, khiến người tiêu dùng yêu phẩm nông nghiệp sạch tin tưởng và ủng hộ.

Để phát triển rộng rãi sản phẩm trên thị trường, ngoài hình thức bán hàng trực tiếp, chị Tú nhanh chóng tiếp cận với phương thức kinh doanh công nghệ số, kết nối sản phẩm theo nhiều kênh mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Chị cho biết, trong thời gian tới chị sẽ mở rộng thị trường và đa dạng sản phẩm, đảm bảo chất lượng, uy tín, sự hài lòng cho khách hàng.

Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường những tháng cuối năm

Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19… là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022.

Bản tin nông sản 19/7: Nâng cao chất lượng đặc sản, nông sản - Ảnh 4

Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn; lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong 6 tháng cuối năm có thể nghiêm trọng hơn; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế...

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính tri, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiên định mục tiêu ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH đã đề ra cho năm 2022.

Kết nối, quảng bá tiêu thụ, xuất khẩu nông sản giữa Cần Thơ và Lạng Sơn

Ngày 18/7, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Đoàn công tác của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn về việc kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của hai địa phương cũng như xuất khẩu nông sản của thành phố Cần Thơ qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bản tin nông sản 19/7: Nâng cao chất lượng đặc sản, nông sản - Ảnh 5

Sở Công Thương Cần Thơ và Lạng Sơn sẽ kết nối, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm OCOP của hai địa phương thông qua các hội chợ thương mại. Để có thể đưa hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn lưu ý doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần quan tâm đến Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” được phía Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/1/2022, yêu cầu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Do đó, nông dân khi canh tác cần chú ý đến quy trình làm ra hàng hóa, đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới có thể xuất khẩu được.

Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ mong muốn sau chuyến công tác của Sở Công Thương Lạng Sơn, các sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ sẽ có mặt ở Lạng Sơn trong thời gian sớm nhất.

Về phía thành phố Cần Thơ, ông Hà Vũ Sơn cho biết sẽ làm việc với các siêu thị trên địa bàn để trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP để giới thiệu cho người tiêu dùng ở Cần Thơ. Ông Hà Vũ Sơn đề nghị Phòng Quản lý thương mại của hai Sở cùng nhau phối hợp triển khai trong quý III/2022.

Đối với hội chợ thương mại Việt Nam – Trung Quốc sắp diễn ra tại Lạng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ giao các đơn vị trực thuộc có văn bản gửi đến các doanh nghiệp có tiềm lực cũng như nhu cầu giới thiệu sản phẩm với khách hàng ở thị trường Trung Quốc.

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã đến tham quan Công ty TNHH Trái cây Mekong ở Khu công nghiệp Trà Nóc và mô hình trồng thanh nhãn ở Nông trường Sông Hậu.

Tiến Hoàng

Từ khóa: