Bản tin nông sản 20/7: Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm

Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương; chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản...

Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm

Bản tin nông sản 20/7: Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm - Ảnh 1

Một trong những thông tin trong tuần được các cơ quan báo chí đăng tải rất đáng chú ý, đó là số liệu đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, số liệu mà Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho hay, gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.

Đáng chú ý, qua lấy mẫu các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng. Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản. Đặc biệt, qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này phát hiện tỉ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao.

Trong thời đại 4.0, không có một loại nông sản nào lại không dùng đến sản phẩm hóa học (phân bón, thuốc bảo quản…), song vấn đề các cơ quan chức năng từ cấp Trung ương đến cấp địa phương phải ban hành, phân loại và đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nông dân, thương lái, nhà sản xuất biết loại nào thì được sử dụng các loại hóa chất gì? Sử dụng trong thời gian bao lâu thì được tiêu thụ. Sau khi đã có đầy đủ thông số trên, tuyên truyền rộng rãi đến mọi đối tượng, nếu phát hiện khâu nào vi phạm sẽ xử lý thật nặng để răn đe. Luật hiện hành chưa có quy định thì tiến hành sửa đổi cho phù hợp. Hơn lúc nào hết, phải đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết, phải nói không với sản phẩm nông nghiệp không đảm bảo an toàn.

Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất nông nghiệp

Bản tin nông sản 20/7: Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm - Ảnh 2

Theo Thông tư 04/2022/TT-BNNPTNT, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo các lĩnh vực sau:

Trồng trọt: Giống cây trồng, giá thể trồng cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Chăn nuôi: Con giống, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vaccine, thuốc thú y phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, chế phẩm sinh học, hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, công cụ, dụng cụ sản xuất.

Lâm nghiệp: Giống cây trồng lâm nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

Khai thác ngư nghiệp: Hỗ trợ hầm bảo quản thủy sản khai thác trên tàu cá; ngư cụ đánh bắt.

Nuôi trồng thủy sản: Hỗ trợ giống, thức ăn, vaccine, hóa chất xử lý môi trường nuôi, chế phẩm sinh học, công cụ, dụng cụ sản xuất, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản.

Diêm nghiệp: Hỗ trợ vật tư, công cụ, dụng cụ trong sản xuất, chế biến muối.

Theo Thông tư, sẽ thực hiện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ cán bộ đến tận hộ gia đình tư vấn chuyển giao kỹ thuật theo các lĩnh vực nêu trên.

Xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản địa phương

Tỉnh Bình Phước có nhiều thế mạnh phát triển về nông nghiệp và cây ăn trái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 151.000 ha cây điều, gần 16.000 ha cây tiêu, trên 12.000 ha cây ăn trái; trong đó, chủ yếu là quýt, xoài, chôm chôm, nhãn, mít, sầu riêng, bưởi…

Bản tin nông sản 20/7: Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm - Ảnh 3

Nhìn chung, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây trong tỉnh trong thời gian vừa qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới giá trị gia tăng không cao, thu nhập của nông dân còn bấp bênh theo mùa vụ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Với tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng, một số doanh nghiệp chợ đầu mối cũng đã có những chia sẻ để Bình Phước cần thiết phải chú trọng đầu tư sơ chế sâu trong nông nghiệp. Qua đó, từng bước đưa các mặt hàng nông sản từ đồng ruộng lên sàn giao dịch điện tử để các mặt hàng nông sản, cây ăn trái có thể thâm nhập vào chợ đầu mối, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ. Bình Phước phát huy thế mạnh, chú trọng xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm địa phương.

Những năm gần đây, các loại trái cây của tỉnh Bình Phước đã dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Giá trị sản xuất các sản phẩm trái cây nói riêng và nông sản nói chung đã tăng trưởng ổn định qua các năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương tiêu thụ, doanh nghiệp luôn mong muốn nhà nông Bình Phước phát huy thế mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm dựa trên đất đai, thổ nhưỡng. Việc tạo thương hiệu riêng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh hàng nông sản so với các vùng miền khác.

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản

Bản tin nông sản 20/7: Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm - Ảnh 4

Thanh Hóa là tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nguồn lao động dồi dào, cùng với nhiều chính sách kích cầu thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy nhanh lộ trình số hóa dữ liệu của ngành, hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch. Công nghệ số đã góp phần thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm nhân công, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Để góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh nông sản, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa và hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử postmart.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ nông sản khi vào mùa thu hoạch. Phấn đấu trong năm 2022, vận động từ 4.000 trở lên tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại hàng hóa, sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản, vật tư nông nghiệp... giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của bưu điện (postmart.vn/agri-postmart.vn); xây dựng được 1 điểm quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của nông dân Thanh Hóa tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân gắn với các sản phẩm của bưu điện; xây dựng được ít nhất 1 quầy quảng bá, hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản hàng hóa tại bưu điện trung tâm huyện, thị xã, thành phố và những điểm bưu điện văn hóa xã nơi có đủ các điều kiện.

Tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm rủi ro cho nông sản

Bản tin nông sản 20/7: Không thể bỏ quên an toàn nông phẩm - Ảnh 5

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), với xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp hai bên sẽ có hợp đồng và các chứng từ thương mại đi kèm như hóa đơn, vận đơn, kiểm dịch, C/O…; đồng thời giao dịch khối lượng hàng hóa lớn, trị giá cao, thanh toán qua ngân hàng, giao hàng qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, sẽ đảm bảo sự chắc chắn. 

Lâu nay, xuất khẩu tiểu ngạch thì không có hợp đồng, thanh toán bằng tiền mặt, hàng đổi hàng và giao qua cửa khẩu phụ, lối mở nên rất rủi ro. Mùa thu hoạch, các thương lái thường chở hàng lên cửa khẩu rồi mới tìm khách mua. Tuy được gọi  xuất khẩu nhưng thực chất giống như ở chợ vì chưa biết người mua hàng bên kia biên giới.

Mỗi năm Việt Nam đưa sang thị trường Trung Quốc khoảng 3,3-3,5 triệu tấn trái cây tươi. Hiện còn nhiều loại nông sản khác Việt Nam có sản lượng dồi dào nhưng chưa được xuất khẩu chính ngạch, như vú sữa, mãng cầu, bưởi, mận, dứa (thơm)... Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), năm 2022, bộ sẽ đàm phán để có thêm dừa và bưởi xuất khẩu vào Mỹ; phấn đấu đến tháng 9 mở được cửa cho nhãn Việt Nam sang Nhật Bản... 

Tuy nhiên, để nông sản được cấp phép xuất khẩu chính ngạch thì phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và chứng minh được nguồn gốc. Từ năm 2018, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu nông sản nhập khẩu phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Từ đầu năm 2022, xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc buộc phải có nguồn gốc, được Bộ NN-PTNT cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tính đến tháng 3-2022, cả nước đã cấp được 3.646 mã số vùng trồng cho diện tích hơn 197.000ha tại 50 tỉnh, thành và 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho trái cây tươi xuất khẩu. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, cả nước đã cấp mã số cho gần 2.000 vùng trồng.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2022 (cao hơn 5 tỷ USD so với Chính phủ giao), trong 6 tháng cuối năm, chúng ta cần phải tiếp tục mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU và Trung Đông; đồng thời lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như Nga, ASEAN và châu Phi.

Tiến Hoàng

Từ khóa: