Bản tin nông sản 23/7: Xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ

Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Đầu tư sâu cho du lịch nông thôn; đưa Việt Nam thành trung tâm chế biến nông sản top hàng đầu thế giới; khai mạc Tuần hàng quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP tại Hà Nội…

Xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ

Bản tin nông sản 23/7: Xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ - Ảnh 1

Tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tổ chức trực tuyến ngày 22-7, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, lưu ý Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mới là cơ sở pháp lý ban đầu, từ giờ đến khi có lô hàng chính thức được xuất khẩu vẫn còn nhiều việc liên quan phải triển khai.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải xuất phát từ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cơ quan chức năng Việt Nam cấp mã số. Danh sách các cơ sở này hiện vẫn đang chờ hải quan Trung Quốc phê duyệt dựa trên hồ sơ cơ quan chức năng Việt Nam cung cấp, cũng có thể phải qua kiểm tra trực tuyến.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay Việt Nam có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Điều đó có nghĩa không phải sầu riêng Việt Nam nào cũng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các vùng có mã số vùng trồng phải có nhiều tiêu chí như: ghi chép nhật ký gieo trồng, thu hoạch, các biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc yêu cầu gồm: 3 loài rệp, 2 loài nấm và 1 loài ruồi. Về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngoài tuân thủ quy định của Việt Nam, các nhà vườn cũng phải thực hiện các yêu cầu của phía Trung Quốc.

Theo các DN, việc mở rộng danh sách các mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp giảm rủi ro cho ngành nông nghiệp khi phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch, cũng như điều kiện để xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam tại Trung Quốc, nâng cao giá trị nông sản Việt. Ngoài ra, khi sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, DN có thể xuất khẩu bằng đường biển, giúp giảm chi phí vận chuyển. Ngược lại, nông dân phải tuân thủ quy trình canh tác, thu hoạch vì khi xuất khẩu chính ngạch, nhà xuất khẩu phải chịu trách nhiệm về sản phẩm ngay cả sau khi xuất khẩu, không đơn giản là bán hàng, thu tiền như xuất khẩu tiểu ngạch.

Đầu tư sâu cho du lịch nông thôn

Bản tin nông sản 23/7: Xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ - Ảnh 2

Du lịch nông nghiệp, nông thôn xuất hiện từ khi Việt Nam hội nhập, phát triển du lịch gắn với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Một số địa phương phát triển du lịch gắn với nghề trồng rau (Quảng Nam), với miệt vườn (đồng bằng sông Cửu Long...). Tuy vậy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, không chỉ Bắc Giang mà tại một số vùng trồng cây ăn quả, việc các chủ vườn tham gia làm du lịch là điều khó khăn. Đơn cử, tại Hàm Yên (Tuyên Quang), do giá trị từ trồng cam lớn nên khi vận động người dân tham gia làm du lịch thì ít hộ mặn mà bởi chi phí đầu tư, duy trì dịch vụ khá tốn kém, lợi nhuận không nhiều...

“Du lịch nông nghiệp muốn phát triển cần xây dựng kết hợp tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm… Điều này gắn với trải nghiệm và quan trọng nhất là bán được hàng hóa. Có như vậy mới mang lại giá trị kinh tế và khuyến khích người dân tham gia chương trình du lịch nông nghiệp. Còn với du lịch nông thôn, quan trọng không kém bên cạnh hạ tầng là gìn giữ văn hóa. Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới cần chọn một số làng, thôn điển hình để làm điểm, từ đó mới tạo được sức hút cho du khách”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cũng cho biết, từ năm 2018, Tổng cục khi đề cập đến du lịch nông nghiệp, nông thôn nhân Hội chợ Du lịch VITM 2018 đã nhận định, ở Việt Nam phần lớn hoạt động nông nghiệp có quy mô nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, giá trị nông sản thấp, công nghệ chế biến lạc hậu… “Để thành điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút du khách cần các yếu tố: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp, chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp, các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách, vai trò của các công ty lữ hành, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến”.

Thôn Muối, xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 và nông thôn mới nâng cao năm 2020. Đa số bà con ở đây trồng vải thiều.

Gia đình ông Chu Xuân Ba có hơn 2ha trồng vải và khoảng 0,5ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Với lợi thế sẵn có, gia đình ông triển khai mô hình phát triển du lịch gắn với các loại cây ăn quả của gia đình. Tuy nhiên, cách thức phục vụ đoàn khách gần như tự phát và chưa có dịch vụ du lịch. “Chúng tôi muốn phát triển du lịch để quảng bá hình ảnh vườn vải, qua đó tiêu thụ được giá hơn. Khi có khách du lịch, chúng tôi để khách tham quan và bán vải theo yêu cầu”, ông Ba chia sẻ.

Đưa Việt Nam thành trung tâm chế biến nông sản top hàng đầu thế giới

Bản tin nông sản 23/7: Xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ - Ảnh 3

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực, sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030; sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030; cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.

Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, Chiến lược đặt ra mục tiêu tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030; trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Chiến lược cũng là hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.

Khai mạc Tuần hàng quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP tại Hà Nội

Bản tin nông sản 23/7: Xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ - Ảnh 4

Tối 22/7, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức khai mạc chương trình “Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2022”, tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng thuộc không gian đi bộ hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngay trong ngày đầu khai mạc, sự kiện đã thu hút đông đảo người tiêu dùng và du khách đến tham quan, mua sắm.

Chương trình có quy mô 140 gian hàng, đơn vị, doanh nghiệp đến từ 29 tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên... Trong đó, tiêu biểu có 20 gian hàng của tỉnh Hưng Yên, 15 gian hàng của tỉnh Nghệ An.

Các sản phẩm OCOP đặc trưng quy tụ tại chương trình lần này gồm những sản phẩm tiêu biểu của từng vùng miền như: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, thực phẩm chế biến, nông sản…

Nắm sát diễn biến thị trường, đảm bảo nguồn cung thịt lợn

Bản tin nông sản 23/7: Xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ - Ảnh 5

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt là theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản; trong đó có lợn thịt tại các địa phương trong nước trong điều kiện mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tích cực phối hợp, hướng dẫn các địa phương trên cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng ngành, đồng thời bảo đảm nguồn cung về giống, vật tư và sản phẩm… giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, giá thành sản xuất.

Ngành nông nghiệp theo dõi chặt chẽ diễn biến của khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021; dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi  thành phẩm cũng tăng từ 36 - 38%.

Tiến Hoàng

Từ khóa: