Bản tin nông sản 24/6: Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những thông tin đáng chú ý về nông sản sẽ có trong bản tin sau đây: Đa dạng sản phẩm nông nghiệp an toàn; loạn thị trường phân bón; cơ hội lớn cho hàng Việt Nam sang Anh...

Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Năm 2009, Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), thuộc U&I Group, bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, quy mô 411ha tại huyện Phú Giáo.

Bản tin nông sản 24/6: Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1

Hơn 12 năm hoạt động, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích khu nông nghiệp với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp, có khả năng nhân rộng cho nông dân. Tại đây, hai mô hình chủ yếu là trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha/năm. Unifarm đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động trong, ngoài tỉnh.

Cũng tại huyện Phú Giáo, trang trại của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương với diện tích 471ha ở hai xã Phước Sang, Tân Hiệp đi vào hoạt động từ năm 2011. Ðến nay, công ty đã đưa vào ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa bằng phần mềm quản lý đàn tiên tiến của châu Âu, nuôi 1.500 con bò sữa cao sản với đàn bò giống được bảo đảm dòng gien thuần chủng, chất lượng cao từ con giống của các nước có nền chăn nuôi bò sữa phát triển tiên tiến như Thái Lan, Australia và New Zealand.

Ứng dụng công nghệ cao từ khâu cho ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đàn, khai thác vắt sữa, vệ sinh môi trường, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đã giúp cải thiện việc quản lý chi phí thừa, giảm chi phí không cần thiết, bảo đảm an toàn môi trường, giúp nâng cao sản lượng cũng như chất lượng dòng sữa nguyên liệu khai thác tại trại...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, nhằm thu hút, khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao phát triển, tỉnh đã có chính sách cho vay vốn nông nghiệp công nghệ cao được ưu đãi với mức khoảng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Ðầu tư phát triển tỉnh Bình Dương, hạn mức vay ưu đãi từ 80-90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ vậy, đến nay Bình Dương có diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 6.370ha; 189 trang trại chăn nuôi gà, vịt và 251 trang trại chăn nuôi lợn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết: Cùng chính sách cho vay ưu đãi, từ năm 2008, Bình Dương đã kêu gọi thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển, đến nay tỉnh đã có bốn Khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn hoạt động rất hiệu quả, như: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao (huyện Phú Giáo) của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương; Khu nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Tân Uyên và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái. Các khu nông nghiệp công nghệ cao này được quy hoạch khu vực sản xuất theo quy mô lớn, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực, tư liệu sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đa dạng sản phẩm nông nghiệp an toàn

Từ 27 ha ban đầu, đến nay, vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hà Long (Hà Trung) đã nhân rộng ra khoảng 200 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất... 

Bản tin nông sản 24/6: Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2

Hiện nay, sản phẩm nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong, ngoài tỉnh và trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Được biết, trước yêu cầu sử dụng sản phẩm gạo sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, các huyện như Nông Cống, Hà Trung, Quảng Xương, Yên Định, Thọ Xuân... đã đẩy mạnh phát triển mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; bên cạnh đó, hình thành vùng trồng lúa hữu cơ với diện tích 310 ha tại các huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định. Có thể nói, bên cạnh việc cung cấp ra thị trường sản phẩm gạo an toàn, phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm được sức khỏe cho người sản xuất. 

Bên cạnh gạo sạch, các sản phẩm nông sản như rau, củ, quả, thịt gà, thịt lợn... cũng được người dân các địa phương tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.560 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP; 330 ha nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Xác định sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, với đa dạng các sản phẩm nông sản, thời gian tới phát huy những tiềm năng, lợi thế, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trồng rau, củ, quả,... theo tiêu chuẩn VietGAP; các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, đổi mới giống cây trồng, chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phù hợp với thị trường để nhân rộng diện tích.

Loạn thị trường phân bón

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có nhiều cách để nhận biết, phân biệt giữa phân bón giả với phân bón thật, tùy theo loại phân bón. Nhưng trên thị trường phân bón hiện nay xuất hiện quá nhiều loại hàng giả, hàng nhái khiến nông dân hoang mang trong canh tác. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả vì lợi nhuận quá lớn mang lại.

Bản tin nông sản 24/6: Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3

Trong bối cảnh hiện nay, giá phân bón tăng vọt từ 60-95% so với cùng kỳ năm trước đã đẩy giá thành sản xuất lúa, rau màu tăng 40-60%, khiến người nông dân đang trong tình cảnh chịu tác động “kép” từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả...

Đáng lo ngại là các loại phân bón là hàng thật nhưng chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng thấp, chỉ bằng 1/10 loại phân bón khác như: phân bón công nghệ cao, phân bón NPK168, phân bón trung lượng, vi lượng... gây hiểu nhầm cho người sử dụng.

Rõ ràng tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, hậu quả vô cùng nghiêm trọng và vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả mỗi năm, xử lý vi phạm với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng nỗ lực phát hiện và xử phạt đối với các trường hợp kinh doanh phân bón giả dường như không xuể. Bởi, có trên 40% doanh nghiệp, hộ kinh doanh phân bón vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa; trên 30% mẫu phân bón được kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện nay, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính, chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư và sẵn sàng xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó nếu bị phát hiện.

Cơ hội lớn cho hàng Việt Nam sang Anh

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sau khi UKVFTA có liệu lực, với 6,6 tỉ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỉ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.

Bản tin nông sản 24/6: Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 4

Trong 5 tháng đầu năm 2022, dù còn chịu các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh vẫn đạt 2,68 tỉ USD, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Ông Oliver Todd - Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM, Giám đốc Thương mại và Đầu tư Anh tại Việt Nam - đánh giá cao vị thế đối tác thương mại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Ông tin tưởng rằng Việt Nam có thể thay thế các nước Ấn Độ, Indonesia để trở thành nhà cung ứng mới trong lĩnh vực nông thủy sản cho Anh.

"Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giao thương 2 nước đã phục hồi nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn. Anh nằm trong tốp 5 thị trường xuất khẩu thủy hải sản và tốp 3 xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Trong UKVFTA, chúng ta đang nỗ lực giảm thuế và các bên có cơ hội tối ưu hóa thuận lợi" - ông Oliver Todd thông tin.

Đại diện các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN Việt Nam cũng phản ánh gỗ, hạt điều và gạo là những mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam. Cơ hội cho các sản phẩm này thâm nhập thị trường Anh đang rộng mở sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực với rất nhiều ưu đãi.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nông thôn

Bản tin nông sản 24/6: Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 5

Tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xã Ðồng Phú, huyện Chương Mỹ là địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai trồng lúa hữu cơ. Từ 5 ha lúa đầu tiên được triển khai năm 2012 với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), vụ xuân năm 2022, xã Ðồng Phú đã có 55ha trồng lúa hữu cơ, năng suất đạt từ 285kg đến 320kg/sào.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ðồng Phú Nguyễn Thị Thủy cho biết: Với những hiệu quả thiết thực từ trồng lúa hữu cơ, được sự vận động của Hội Phụ nữ và các đoàn thể, xã hiện đã có 316 hộ sản xuất lúa hữu cơ. Ðể bảo đảm đầu ra ổn định, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ðồng Phú đã liên kết với Công ty Bảo Minh tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm với giá thu mua lúa là hơn 10.000 đồng/kg.

Ðây là hướng đi giúp người nông dân trồng lúa có được thu nhập cao hơn, đầu ra ổn định hơn, thu nhập đạt từ 160 đến 185 triệu/ha/năm, gấp 1,8 đến 2 lần sản xuất thông thường. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đời sống của nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong xã được nâng cao, giúp chị em yên tâm sản xuất và tham gia tích cực các hoạt động của hội phụ nữ ở địa phương.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ thành phố đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ chị em phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất; tín chấp cho vay vốn từ các chương trình hơn 7.300 tỷ đồng giúp phụ nữ phát triển kinh tế... Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả như hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Ðan Phượng), Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (huyện Ðông Anh).

Với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, nhiều gia đình hội viên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên môn hóa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết như Mô hình gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng; trứng vịt xã Liên Châu tại huyện Thanh Oai.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác vùng chuyển đổi lên gấp ba đến bốn lần so với cấy lúa, góp phần nâng cao đời sống của phụ nữ và gia đình.

Tiến Hoàng

Từ khóa: